Giảm ngân sách của TP.HCM: Bộ Tài chính lên tiếng
“Trong bối cảnh thu ngân sách (NS) gặp khó khăn, việc điều hòa NS giữa địa phương và trung ương đã được Bộ Tài chính tính toán kỹ, sao cho vừa đảm bảo chia sẻ khó khăn với các tỉnh nghèo, vừa thúc đẩy phát triển ở các TP lớn”. Chiều 27-10, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN - Bộ Tài chính), chia sẻ về câu chuyện phân chia tỉ lệ NSNN cho các tỉnh, TP.
Có 50 tỉnh, thành thu không đủ chi
. Phóng viên: Tại sao Bộ Tài chính lại đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm tỉ lệ NS mà TP.HCM được giữ lại từ 23% xuống 18%, thưa ông?
+ Ông Võ Thành Hưng: Theo chu kỳ bốn năm một lần, năm 2017 là năm đầu tiên Bộ Tài chính xem xét, cân đối lại tỉ lệ điều tiết NSNN ổn định cho các địa phương trong giai đoạn mới (2017-2020). Tỉ lệ này được tính toán dựa trên tình hình thu và nhu cầu NS thực tế của từng địa phương. Nếu khả năng thu thấp hơn nhu cầu chi, địa phương được nhận bổ sung NS để cân đối. Còn những địa phương có khả năng thu NS lớn hơn thì phải điều tiết về trung ương.
Hiện có 50 tỉnh, TP nhận nguồn bổ sung cân đối NS, 13 địa phương còn lại được điều tiết NS về trung ương (chiếm đến 80% nguồn thu cả nước). Trong đó, riêng TP.HCM đã chiếm 50% nguồn thu NSNN cả nước rồi.
Ngược lại, cũng có những tỉnh có nguồn thu NSNN rất thấp. Đơn cử như Bắc Kạn chỉ thu khoảng 600 tỉ đồng/năm, bằng nguồn thu một ngày của TP.HCM. Do vậy Bộ Tài chính phải làm nhiệm vụ cân đối nguồn NS trung ương với địa phương để đảm bảo hài hòa miếng bánh NS với tỉ lệ phù hợp.
. TP.HCM cho rằng việc giảm tỉ lệ NS mức 5% là quá cao và đột ngột, khiến TP gặp nhiều khó khăn trong chi đầu tư phát triển?
+ Vấn đề điều hòa NSNN cần dựa trên nguyên tắc công bằng với tất cả địa phương. Phần lớn các tỉnh khó khăn đều phụ thuộc vào nông nghiệp; nhiều năm gần đây nông sản rớt giá, rồi hạn hán, xâm nhập mặn,… Nguồn thu NSNN ở các địa phương này hầu như không tăng từ năm 2011.
Để có nguồn lực hỗ trợ các địa phương khó khăn, trung ương buộc phải lấy NS từ các địa phương phát triển, có nguồn thu tốt. Chuyện còn lại là tính toán điều tiết NS bao nhiêu % để địa phương không mất đi động lực phát triển, còn tỉnh nghèo thì khá lên. Nếu tỉnh nào cũng đòi tỉ lệ NS được giữ lại ở mức cao thì không bao giờ chia nổi miếng bánh NSNN.
Ngân sách trung ương sẽ bổ sung cho TP.HCM 7.000 tỉ đồng để đầu tư một số dự án xã hội, trong đó có 3.200 tỉ đồng xây dựng bệnh viện tuyến cuối (ung bướu và nhi). Trong ảnh: Lễ khởi công xây dựng BV Ung bướu mới tại phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Sẽ bổ sung cho TP.HCM 7.000 tỉ đồng
. Nếu Quốc hội thông qua tỉ lệ giảm điều tiết NS của TP.HCM, Bộ Tài chính đã tính đến phương án gì để hỗ trợ TP?
+ Để đảm bảo nhu cầu chi của TP.HCM, chúng tôi đã tính đến một số ưu tiên lớn cho TP.HCM trong chi đầu tư, chi thường xuyên. Theo đó, NS trung ương sẽ bổ sung cho TP.HCM 7.000 tỉ đồng để đầu tư một số dự án xã hội, trong đó có 3.200 tỉ đồng xây dựng bệnh viện tuyến cuối (ung bướu và nhi). Nếu tính cả nguồn bổ sung 7.000 tỉ đồng, tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM không phải 18% mà là 22%.
Ngoài ra, TP.HCM còn nhận được vốn ODA 3 tỉ USD để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, cấp thoát nước, xử lý môi trường và cho vay lại trên dưới 1 tỉ USD; đó là chưa kể khoản thưởng nếu vượt thu NS.
Không phải Bộ Tài chính không nhận thức được những khó khăn của TP.HCM nhưng Bộ đã tính toán kỹ mọi nguồn để làm sao các tỉnh có tỉ lệ tiết giảm không quá lớn.
Trong tính toán NSNN, Bộ Tài chính luôn cân bằng hai yếu tố phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Dù khó đáp ứng được nhu cầu chi của TP.HCM và Hà Nội nhưng theo tính toán của chúng tôi, tổng nguồn lực NS của hai TP không thể nói là giảm, chỉ là không tăng như nhu cầu của họ. Hai TP này cũng có nhiều công trình do trung ương đầu tư, như hiện nay các cơ quan trung ương đầu tư 6.000-7.000 tỉ đồng/năm trên địa bàn TP.HCM. Cùng đó, TP.HCM cũng cần tính đến các giải pháp tiết kiệm chi như giảm hội họp, phương tiện đi lại, công tác nước ngoài…
. Xin cám ơn ông.
Tăng lương 5% từ 1-7-2017 Trong cơ cấu chi NSNN năm 2017, Bộ Tài chính sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị tiết kiệm chi thường xuyên, yêu cầu các đơn vị sự nghiệp tăng tính tự chủ, điều chỉnh giá dịch vụ nhưng đảm bảo yêu cầu chất lượng, đầu tư trang thiết bị, nhất là với y tế, giáo dục,… Trong dự toán NS, Bộ Tài chính sẽ không bố trí tiền để các bộ, ngành mua xe mới cho cấp thứ trưởng trở xuống, thay vào đó các đơn vị chủ động sắp xếp, điều chuyển xe công giữa các đơn vị. Từ những giải pháp đó, Bộ Tài chính dành nguồn để chi điều chỉnh lương (sẽ tăng lương cơ bản 5% từ ngày 1-7-2017), trợ cấp người có công. |