Giảm lãi suất điều hành bất ngờ, Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ
Sáng 4/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo về dự báo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.
ADB nhấn mạnh kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng trong năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và sự phục hồi của tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, đại dịch đã làm bộc lộ các vấn đề mang tính cơ cấu, và đây cũng là những rủi ro chủ yếu đối với nền kinh tế.
Các chuyên gia tại đây dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 và 6,8% vào năm 2024. Ngoài ra, lạm phát dự kiến sẽ tăng lên.
Theo ADB, chính sách giảm lãi suất điều hành bất ngờ khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ.
ADB đánh giá Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã hành động vì thị trường vốn căng thẳng đã khiến tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Trong khi đó, lạm phát giảm nhẹ và tình trạng bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây ở Mỹ được đánh giá là sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm bớt chính sách thắt chặt tiền tệ diều hâu, qua đó có khả năng làm giảm lạm phát do chi phí đẩy từ bên ngoài.
Đồng thời, áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam gia tăng, khi nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ.
ADB cho rằng những yếu tố này khiến Chính phủ vào ngày 7/3 đã chỉ đạo NHNN hành động để hỗ trợ thanh khoản và phục hồi kinh tế. NHNN cuối ngày 14/3 thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành. Đợt điều chỉnh lãi suất điều hành khi đó không áp dụng với trần lãi suất huy động.
Sau đó nửa tháng, cuối ngày 31/3, cơ quan này thông báo giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5,5% một năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5,5%. Quyết định có hiệu lực từ ngày 3/4.
Mới đây, Bộ phận Nghiên cứu kinh tế và các Thị trường toàn cầu của Ngân hàng UOB (UOB Global Economics & Markets Research) dự báo NHNN có thể giảm thêm lãi suất điều hành.
Theo các chuyên gia tại đây, tốc độ tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ từ mức 5,92% trong quý IV/2022 là một trong những động lực khiến NHNN cắt giảm thêm lãi suất điều hành.
Bên cạnh đó, đã có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định quay trở lại thị trường tiền tệ sau các biến động gần đây trong hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu (sự sụp đổ của SVB và việc UBS mua lại Credit Suisse). Fed cũng sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Với các điều kiện này, UOB cho rằng có nhiều khả năng NHNN sẽ thiên về chính sách nới lỏng hơn trong giai đoạn sắp tới, với việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 1 điểm % trong quý II năm nay (bao gồm cả đợt giảm 0,5 điểm % từ ngày 3/4).
Tuy nhiên, UOB cho biết dù nhà điều hành thiên về chính sách nới lỏng, điều này không có nghĩa với việc bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là ở thời điểm này.
Về lạm phát, các diễn biến thị trường đang cho thấy chỉ tiêu này đang hạ nhiệt. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,18% so với cùng kỳ trong quý I, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 4,5%. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá cả lương thực, năng lượng và các dịch vụ công khác) vẫn chưa có dấu hiệu giảm đáng kể khi đã tăng 5,01% trong quý I từ mức 4,76% trong quý IV/2022 và 3,17% trong quý III/2022.
Xu hướng này có thể khiến ngân hàng trung ương lo ngại khi lạm phát cơ bản tháng 3 đã tăng 4,88% so với cùng kỳ, là tháng thứ 6 liên tiếp lạm phát dao động trên mức 4,5%.
“Bên cạnh những cân nhắc về giá tiêu dùng, bất kỳ sự cắt giảm lũy kế nào lớn hơn 1 điểm % sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng kéo dài từ chiến dịch tăng lãi suất của Fed đến nhu cầu trên thế giới”, UOB đưa nhận định.