|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải trừ bất cập trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

08:12 | 03/03/2020
Chia sẻ
Từ ngày 1/4/2020, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định số 10) sẽ có hiệu lực, được kì vọng sẽ tháo những nút thắt hiện tại và tạo điều kiện thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động ổn định, phát triển.

Nghị định số 10 bao gồm 7 chương 37 điều, tăng 2 chương và điều so với Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định số 86), trong đó có một số nội dung giải quyết được những vấn đề bất cập mà dư luận đang hết sức quan tâm.

Cụ thể, Nghị định số 10 đã hoàn thiện quy định để phân định rõ giữa khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. 

Do vậy, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải có thể chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, đây là quy định rất mở để đơn vị tự lựa chọn và xác định hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với các điều kiện kinh doanh của Nghị định.

Giải trừ bất cập trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô - Ảnh 1.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ được kỳ vọng sẽ giải trừ nhiều bất cập trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Nghị định số 10 cũng bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung quy định nhằm xử lý hiệu quả hơn tình trạng “xe dù, bến cóc” và “xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định”. 

Theo đó, đến ngày 1/1/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải; trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu và điểm cuối trùng lặp, từ đó các cơ quan chức năng có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành. Cùng đó, xe hợp đồng, du lịch phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu theo quy định…

Ngoài ra, Nghị định số 10 đã bổ sung nội dung quy định lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Với nội dung này, trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc triển khai thực hiện Nghị định số 86 đã cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị vận tải nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần kéo giảm chi phí logistics, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Dù vậy, sau hơn 5 năm thực hiện, Nghị định số 86 cùng với những thay đổi về quy định pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ cũng như một số nội dung còn bất cập trong văn bản này đã khiến nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại trong thực tế quản lý. 

Trong đó, Luật Quy hoạch năm 2017 không cho phép giới hạn quy mô đơn vị kinh doanh vận tải và lập quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải; việc chậm trễ trong ứng dụng công nghệ trong quản lý dẫn đến tình trạng một số đơn vị sử dụng xe vận chuyển hợp đồng tổ chức dịch vụ theo hình thức tuyến cố định, cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. 

Đặc biệt, hiện tượng “xe dù, bến cóc” ăn theo loại hình vận chuyển hợp đồng theo hình thức tuyến cố định bùng phát phức tạp ở hầu hết các địa phương…

Bên cạnh việc giải trừ những bất cập trên, Nghị định số 10 được đưa vào thực tế cũng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển; thuận tiện cho nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời vẫn duy trì siết chặt những yêu cầu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải.

Việt Nga