|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giá trị thương vụ bancassurance độc quyền của ACB ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng

16:02 | 06/11/2020
Chia sẻ
BVSC ước tính mức phí trả trước mà ACB có thể nhận được từ việc kí hợp đồng bancassurance độc quyền là hơn 90 triệu USD. Trong khi SSI Research giả định giá trị thương vụ này rơi vào khoảng 2.500 - 3.000 tỉ đồng.

Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nằm trong Top 5 nhà phân phối bancassurance (bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng) ở Việt Nam tính đến cuối năm 2019 với 6,1% thị phần và đang là đối tác toàn diện với AIA, Manulife và FWD.

Dù chưa có dữ liệu hiệu suất bancassurance trong 9 tháng đầu năm nhưng BVSC dựa trên tổng phí bảo hiểm thuần mới (NWP) của các ngân hàng để xem xét hiệu suất bán hàng bancassurance của mỗi ngân hàng.

Theo BVSC, năng suất bán bảo hiểm của ACB vẫn kém các ngân hàng khác. Minh chứng là tỉ lệ NWP trên mỗi nhân viên đạt 55,2 triệu đồng và NWP trên mỗi chi nhánh đạt 1,74 tỉ đồng; thấp hơn nhiều so với MB (70,2 triệu/nhân viên; 3,7 tỉ/chi nhánh), Techcombank (90,1 triệu/nhân viên; 2,9 tỉ/chi nhánh), hay VIB (204,6 triệu/nhân viên; 9 tỉ/chi nhánh). 

ACB có thể nhận 90 triệu USD từ thỏa thuận bancassurance độc quyền - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo BVSC.

Ở góc nhìn tích cực, có thể nhận định khi kí hợp đồng độc quyền, ACB sẽ còn nhiều dư địa để nâng cao năng suất kinh doanh. 

Bên cạnh đó, BVSC cũng kì vọng rằng kết quả kinh doanh bancassurance hấp dẫn trước khi kí hợp đồng bancassurance độc quyền này sẽ giúp gia tăng quyền thương lượng cho ACB với công ty bảo hiểm nhân thọ, qua đó đạt được tổng phí trả trước cao hơn so với các ngân hàng khác.

Theo số liệu từ Bloomberg về hai thương vụ bancassurance độc quyền mới nhất ở Việt Nam giữa Vietcombank - FWD và TPBank - Sun Life, mức phí trả trước mà FWD công bố trả cho Vietcombank là khoảng 400 triệu USD cho 15 năm hợp tác, còn TPBank thì nhận được khoảng 75,3 triệu USD từ thương vụ bancassurance của mình. 

Từ góc độ cơ sở khách hàng, phân tích cách các công ty bảo hiểm đưa ra mức phí trả trước thấy rằng FWD sẵn sàng chi trả 25,6 USD cho mỗi khách hàng của Vietcombank, trong khi Sun Life trả mức cao hơn là 30,1 USD cho mỗi khách hàng của TPBank. 

Tính đến cuối quí III, số lượng khách hàng của ACB đã mở rộng lên 3,1 triệu, tăng khoảng 10,7% so cuối năm 2019. Với cơ sở khách hàng hiện tại, BVSC ước tính mức phí trả trước của ACB có thể hơn 90 triệu USD (2.100 tỉ đồng).

ACB có thể nhận 90 triệu USD từ thỏa thuận bancassurance độc quyền - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo BVSC.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng lưu ý rằng chi phí trả trước dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, sự khác biệt về phí trả trước giữa các ngân hàng có thể là do dư địa tăng trưởng cũng như khả năng mở rộng cơ sở khách hàng của mỗi ngân hàng.

Nhìn chung, BVSC đánh giá hợp đồng bancassurance độc quyền không chỉ giúp ACB thu được một khoản phí trả trước cao hơn so với các ngân hàng khác, mà còn tạo ra một nguồn thu nhập ổn định sau đó.

Theo một giả định khác, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng khoản phí trả trước theo thỏa thuận bancassurance độc quyền có thể giúp làm tăng tổng vốn chủ sở hữu của ACB trong năm 2021. 

Quan sát các thương vụ gần đây, phí bancassurance mỗi khách hàng dao động từ 20 USD đến 35 USD, SSI Research giả định phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể vào khoảng 2.500 đến 3.000 tỉ đồng.

ACB có thể nhận 90 triệu USD từ thỏa thuận bancassurance độc quyền - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo SSI Research.

 

Lê Huy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.