|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giá trị đồng VND qua lăng kính tỷ giá

14:27 | 21/02/2018
Chia sẻ
NHNN đã dùng những công cụ chính sách tiền tệ rất linh hoạt để điều tiết thu tiền về, kiểm soát lượng tiền trong lưu thông giữ ổn định thanh khoản tiền đồng nhưng không gây áp lực lên thị trường ngoại tệ
gia tri dong vnd qua lang kinh ty gia Năm 2018, thách thức lớn nhất là tỷ giá, lãi suất
gia tri dong vnd qua lang kinh ty gia Cú đúp điều hành tỷ giá USD/VND cận Tết 2018

Năm 2017, đồng VND được đánh giá là đồng tiền có tính ổn định nhất trong khu vực, bất chấp kinh tế thế giới có nhiều biến động. Dự trữ ngoại hối được xác lập ở mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, lên tới 54,5 tỷ USD. Diễn biến này đã gây bất ngờ cho không ít người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhưng kết quả đó không quá ngạc nhiên đối với những ai đã theo dõi sát quá trình điều hành chính sách tỷ giá của NHNN trong vòng vài năm qua.Tăng dự trữ ngoại hối có ý nghĩa rất lớn

gia tri dong vnd qua lang kinh ty gia
VND trở thành đồng tiền ổn định nhất trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2017

Một năm khác biệt

Vô tình gặp ông Danh Thắng - một cán bộ hưu trí làm việc lâu năm trong một Viện nghiên cứu ở Hà Nội tại quán cà phê trong ngày đầu năm mới 2018. Sau vài câu chuyện hàn huyên hỏi thăm tình hình công việc, gia đình trong năm qua, vị cán bộ hưu trí này chia sẻ vừa đi rút lãi từ ngân hàng về được gần chục triệu. “May mà nghe lời thằng con trai tôi kịp bán 10.000 USD từ giữa năm ngoái chuyển sang VND gửi tiết kiệm tại ngân hàng, không giờ này thì chẳng được mấy đồng”, ông Thắng phấn khởi cho biết.

Trường hợp ông Thắng không phải là hiếm. Thực tế đầu năm rất nhiều dự báo đều đưa ra nhận định là tỷ giá có thể được điều chỉnh tăng từ 2-3%. Bởi lúc đó có rất nhiều yếu tố khiến tỷ giá năm 2017 trở nên khó đoán định, nhất là chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ, khả năng tăng lãi suất ba lần trong năm của Fed; dòng vốn đầu tư toàn cầu có thể thay đổi, xu hướng đảo ngược từ nới lỏng sang thắt chặt lãi suất ở một số nước nhằm kiềm chế lạm phát… Những tác động của thế giới, cộng với yếu tố nội tại trong nước có thể kéo theo sự mất giá của tiền đồng.

Theo TS. Võ Trí Thành, điều hành tỷ giá chưa khi nào đơn giản nếu không nói là rất phức tạp bởi liên quan đến nhiều vấn đề như cân đối vĩ mô, giữa lãi suất đồng USD và VND, rồi cả thanh khoản ngoại tệ. Vì vậy, không ít những người dân như ông Thắng vẫn còn chưa thực sự tin tưởng vào sự ổn định giá trị đồng VND, họ khó quyết định nên nắm giữ USD hay VND.

Áp lực trên đòi hỏi nhà điều hành phải rất khéo léo với nguyên tắc phải đảm bảo người nắm giữ đồng VND luôn có lợi. Năm 2017, NHNN tiếp tục sử dụng chính sách tỷ giá trung tâm linh hoạt theo diễn biến thị trường. Nhưng sự linh hoạt cũng có giới hạn, sức sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách vẫn phải gắn với các cơ sở điều kiện thực tế. Trong khi, trên thế giới diễn biến cả về kinh tế, chính trị ngày càng trở nên khó lường, nhất là chính sách của Mỹ về đồng USD vẫn chưa thể dự báo được.

Thách thức đó đã xảy ra ngay giữa tháng 2/2017, tỷ giá USD liên tục tăng lên mức 22.840 đồng/USD (bán ra) vào ngày 15/2. Độ căng thẳng còn thể hiện khi khoảng cách mua vào - bán ra của các ngân hàng thay vì 70-80 đồng/USD như mọi khi được nới rộng lên 120-130 đồng/USD. Sức ép tỷ giá liên tục tăng nhiệt khiến thị trường dấy lên lo ngại đồng USD khan hiếm, cung - cầu USD bất ổn, tỷ giá sẽ lao như con ngựa bất kham.

Song với kinh nghiệm sau một năm điều hành chính sách tỷ giá trung tâm (từ tháng 1/2016), NHNN đủ không gian để xoay chuyển tình thế, ứng phó với những biến động bất lợi từ thị trường. Theo đó, NHNN linh hoạt chủ động điều chỉnh tỷ giá trung tâm với liều lượng tăng giảm vừa đủ, cùng với động thái trở lại phát hành tín phiếu hút bớt tiền về tránh để tiền đồng dư dả quá nhiều ở các ngân hàng. Sự can thiệp này đã lập tức đưa lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh trở lại, kéo theo lãi suất huy động VND trên thị trường I ổn định, có lợi hơn so với USD. Chỉ trong thời gian ngắn, thị trường đã ổn định trở lại.

NHNN đã dùng những công cụ chính sách tiền tệ rất linh hoạt để điều tiết thu tiền về, kiểm soát lượng tiền trong lưu thông giữ ổn định thanh khoản tiền đồng nhưng không gây áp lực lên thị trường ngoại tệ

Không chỉ điều hành thị trường hối đoái linh hoạt và sáng tạo, theo nhận định chung của các chuyên gia, những bước đi chính sách của NHNN ngày càng chủ động, táo bạo, nhưng không kém phần khôn khéo. Cách điều hành tỷ giá của NHNN không chỉ bám sát thị trường quốc tế mà luôn để mắt tới mục tiêu lớn là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngay khi thị trường phát đi tín hiệu, NHNN đã có thể ra tay can thiệp như chủ động nâng tỷ giá trung tâm cũng như điều chỉnh tăng giá bán USD tạo thêm tính cạnh tranh cho tỷ giá, hỗ trợ xuất khẩu gia tăng giá trị, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…

Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của Việt Nam trong năm 2017 một phần lớn là nhờ đồng VND gắn chặt với đồng USD, trong khi đồng USD mất giá khá cao so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác. Điều này giúp khuyến khích mạnh mẽ xuất khẩu, kể cả khu vực FDI và nội địa. Trong điều kiện nguồn cung dồi dào như vậy, NHNN đã mua ngoại tệ nâng dự trữ ngoại hối lên mức gần 53 tỷ USD khi kết thúc năm - cũng là mức kỷ lục cao nhất từ trước tới nay trong khi toàn bộ thị trường tiền tệ không có bất kỳ cú sốc nào đáng kể như một vài năm gần đây.

Tỷ giá hối đoái của VND so với USD tiếp tục được duy trì ổn định khiến cho đồng VND trở thành đồng tiền ổn định nhất trong khu vực Đông Nam Á và ngày càng có uy tín đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đây cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng vị thế xếp hạng cạnh tranh quốc gia của Việt Nam theo đánh giá của WB và nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác.

gia tri dong vnd qua lang kinh ty gia

Dự trữ ngoại hối được xác lập ở mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay

Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền

Điều gì giúp chính sách tỷ giá có một năm khác biệt như vậy. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: trong vòng hai năm 2016 và 2017 NHNN đã mua vào khoảng 22 tỷ USD, đưa ra lượng tiền đồng rất lớn. Nhưng NHNN đã dùng những công cụ chính sách tiền tệ rất linh hoạt để điều tiết thu tiền về, kiểm soát lượng tiền trong lưu thông, giữ ổn định thanh khoản tiền đồng nhưng không gây áp lực lên thị trường ngoại tệ. “Sự điều hành tỷ giá bài bản, nhuần nhuyễn cũng là do kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách chứ không chỉ riêng cơ chế tỷ giá trung tâm. Đấy chính là sự linh hoạt, chủ động mà chúng ta hay nói đến trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN”, Thống đốc NHNN thông tin thêm.

Và một trong những yếu tố giúp cho điều hành tỷ giá thành công là NHNN rất kiên định trong chính sách giảm đô la hóa thông qua việc giữ trần lãi suất huy động ngoại tệ 0%/năm. “Tất cả các nhu cầu thanh toán của nền kinh tế đều được đáp ứng, chúng ta neo được tâm lý kỳ vọng tỷ giá. Trước đây, mọi người dân, DN đều có tâm lý rất nặng nề là tỷ giá thường có xu hướng tăng vào cuối năm. Nhưng năm nay, nhờ thực hiện được thành công các công cụ chính sách, tỷ giá giữ được ổn định, trong bối cảnh các đồng tiền của các nước trong khu vực đều lên giá so với USD. Qua đó, hỗ trợ trực tiếp cho xuất khẩu, giữ ổn định được thị trường”, Thống đốc cho biết và nhấn mạnh, tỷ giá mà không ổn định thì thị trường rất bất ổn, xói mòn tâm lý NĐT, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Bước sang năm 2018, nhận định chung áp lực tỷ giá vẫn còn, nhưng với phương châm điều hành “dĩ nhất biến ứng vạn biến”, theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, NHNN sẽ hạn chế được đáng kể những ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường tài chính quốc tế, duy trì ổn định tỷ giá cũng như các chỉ số tiền tệ kinh tế vĩ mô, tiếp tục tăng cường dự trữ ngoại tệ đạt mức kỷ lục mới, củng cố lòng tin của người dân Việt Nam cũng như NĐT quốc tế về giá trị, vị thế của đồng VND.

Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, TS. Nguyễn Đức Hưởng:

Sức mạnh tổng hợp tạo sự đột phá và niềm tin

Không thể dùng từ nào khác ngoài hai từ “ấn tượng” khi nghĩ đến sự vận hành CSTT trong năm 2017. Gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng toàn hệ thống NH với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Quốc hội, đã vượt qua một cách ngoạn mục. Ngành Ngân hàng đã khiến Chính phủ, người dân “chạm đến bức tường thành” về niềm tin. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành NH Việt Nam được Quốc hội thông qua một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu đồng thời chấp thuận Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD trong khoảng thời gian thần tốc. Thành công trong điều hành CSTT đạt đến đỉnh cao về dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, lãi suất, xử lý nợ xấu… góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Kết quả này cho thấy cái tầm, tư duy đột phá của nhà điều hành. Bước sang năm 2018, bức tranh tài chính – ngân hàng sẽ tiếp tục sáng khi thừa hưởng thành quả của CSTT năm 2017. Tôi tin rằng cả hệ thống NH đang và sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới trong năm 2018. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên chủ quan. Hoạt động tín dụng cần thận trọng hơn, công cụ lãi suất phải thật sự linh hoạt theo tín hiệu thị trường. CSTT năm 2018 cần có những giải pháp vượt qua thách thức để tránh lặp lại những hậu quả nhãn tiền.

Hà Thành