[Giá nông sản ngày 10/6] Giá cà phê vượt ngưỡng 43.000 đồng/kg
Ảnh minh họa. |
Cập nhật giá nông sản ngày 10/6.
Trên thị trường cà phê, giá robusta ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp, với giá hợp đồng giao tháng 7 tại London tăng 19 USD lên cao nhất hơn một tuần ở 2.002 USD/tấn. Đây cũng là lần đầu tiên giá robusta lấy lại ngưỡng 2.000 USD/tấn kể từ đầu tháng 6.
Trên sàn ICE New York, giá arabica giao tháng 7 cũng tăng nhẹ 0,16% lên 126,55 Uscent/pound, nhưng chưa thể lên lại ngưỡng hỗ trợ 128 Uscent/pound.
Cùng với đà tăng của robusta trên thị trường thế giới, giá thu mua cà phê nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên tăng 300 – 500 đồng/kg trong hôm nay. Với 3 ngày tăng liên tiếp vừa qua, giá cà phê Tây Nguyên hiện đều giao dịch trên ngưỡng 43.000 đồng/kg.
Giá cà phê tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com) |
Thị trường cà phê xuất hiện lực mua mới khi có tin tức cho hay thời tiết Brazil có thể chuyển lạnh vào cuối tuần này. Thậm chí, sương giá có thể xảy ra tại một số khu vực trồng cà phê nhưng sẽ không có hiện tượng đóng băng, chuyên gia phân tích Jack Scoville của công ty Inside Futures cho biết.
Dự báo thời tiết cho hay Brazil sẽ bắt đầu lạnh vào ngày 9 – 10/6 nhưng nhiệt độ sẽ không xuống quá thấp để gây thiệt hại cho vụ cà phê hiện tại của nước này.
Theo một số báo cáo từ Brazil, kích cỡ hạt cà phê của vụ hiện tại còn khá khỏ. Nông dân hy vọng chất lượng cà phê sẽ cải thiện hơn khi càng vào sâu vụ thu hoạch.
“Thời tiết [tại Brazil] vẫn là yếu tố gây chú ý đối với những người chơi trên thị trường. Cuối tuần này, một khối không khí lạnh lớn sẽ tràn về khu vực giữa bang Rio Grande do Sul và phía tây bang Santa Catarina sẽ khiến nhiệt độ giảm mạnh,” nhóm chuyên gia của Viện nghiên cứu cà phê quốc gia Brazil cho biết.
Trong đó, nhiệt độ một số khu vực thuộc bang Minas Gerais, một bang trồng cà phê lớn của Brazil, có lúc sẽ xuống thấp nhất 0 – 2 độ C. Tuy nhiên, khả năng băng giá sẽ thấp hơn vì trời có gió.
Trong khi đó, việc đồng real suy yếu có thể kích thích các doanh nghiệp tại Brazil mạnh tay bán cà phê dự trữ ra thị trường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có số liệu thực tế nào cho thấy các doanh nghiệp đã sẵn sàng giải phóng dự trữ.
Không chỉ giới đầu tư vào cà phê mà cả thị trường đường thô cũng quan tâm đến thời tiết tại Brazil, vốn là nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.
Hiện tại, có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ đường tới đây của Brazil sẽ bị gián đoạn bởi mưa và thời tiết mùa động lạnh giá.
Tuy nhiên trong phiên hôm qua, giá đường thô giao tháng 7 giảm nhẹ 0,07% xuống 14,33 Uscent/pound. Một số nhà đầu tư có xu hướng bán các hợp đồng đường thô vì giá chưa thể bứt phá lên trên ngưỡng giá hỗ trợ cần thiết.
Hiện tại, giới đầu tư đang đợi báo cáo của Unica về sản lượng đường của Brazil trong nửa sau của tháng 5 vào đầu tuần tới. Theo ước tính sơ bộ của hãng Platts, sản lượng đường của khu vực Trung Nam Brazil sẽ giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái vì thời tiết ẩm ướt, gây ảnh hưởng tới công tác thu hoạch.
Trên thị trường ca cao, giá tăng mạnh với giá hợp đồng giao tháng 7 tăng 3,39% tại London trong phiên hôm qua. Giới thương lái cho biết, giá ca cao tăng nhờ đồng bảng Anh lao dốc sau kết quả bầu cử tại Anh.
Trên thị trường hồ tiêu, giá tiêu giao ngay tại Ấn Độ bất ngờ giảm do chất lượng nguồn cung nội địa giảm và tiêu nhập khẩu vẫn còn tồn đọng trên thị trường. Trong đó, chất lượng tiêu Ấn Độ giảm vì độ ẩm của hạt tiêu lên tới hơn 13% do tác động của mùa mưa.
Hơn nữa, nhu cầu mua hàng cũng bắt đầu suy yếu. Trên thị trường, người tiêu dùng cuối cùng vẫn đang tiêu với khối lượng nhỏ, nhưng sức mua từ các bạn hàng lớn đã chậm lại.
Kết quả là, giá tiêu giao ngay giảm 300 rupee xuống 50.200 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 52.200 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc). Trên thị trường kỳ hạn, có 21 tấn tiêu được giao dịch, gồm 10 tấn tiêu chất lượng cao được trả giá 510 rupee/kg, 6 tấn tiêu Wayanad có giá 505 rupee/kg và 5 tấn tiêu nhập khẩu có giá 500 rupee/kg.
Giá tiêu xuất khẩu của Ấn Độ sang châu Âu và Mỹ cũng lần lượt giảm về 8.375 USD/tấn và 8.625 USD/tấn.