|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giá lương thực thực phẩm khó có thể tăng mạnh khi tiêu dùng trong nước tương đối yếu

20:06 | 11/11/2023
Chia sẻ
SSI nhận định áp lực lạm phát không quá đáng lo ngại trong ngắn hạn khi giá lương thực và thực phẩm (đặc biệt giá thịt lợn) khó có thể bật tăng nhanh chóng trong bối cảnh tiêu dùng trong nước tương đối yếu.

Trong báo cáo vừa công bố, SSI Research dự báo mức lạm phát trung bình cho năm 2023 sẽ vào khoảng 3,2% và có thể ở mức 3,4% nếu giá dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh tăng trong năm nay – vẫn thấp hơn tương đối so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ. 

Trong tháng 10, lạm phát tổng thể hạ nhiệt đáng kể sau 3 tháng tăng mạnh, và ghi nhận chỉ tăng 0,08% so với tháng trước và 3,59% so với cùng kỳ.

Đóng góp lớn nhất cho CPI tháng 10 là giá dịch vụ giáo dục (tăng 2,5% so với tháng trước) đã bị triệt tiêu bởi mức giảm từ nhóm xăng dầu (giảm 4,6%). Tương tự, trong nhóm lương thực, thực phẩm, giá gạo tăng manh (tăng 1,1%) đã được hỗ trợ bởi giá thịt lợn giảm (giảm 1,4%).

Lạm phát cơ bản có chiều hướng giảm (tăng 4,4% so với cùng kỳ) khi yếu tố nền thấp từ lạm phát dịch vụ có thể được kiềm chế. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 1,8% - 2% trước đó. 

"Áp lực lạm phát không quá đáng lo ngại trong ngắn hạn khi giá lương thực và thực phẩm (đặc biệt giá thịt lợn) khó có thể bật tăng nhanh chóng trong bối cảnh tiêu dùng trong nước tương đối yếu", SSI cho hay.

 

 

 

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết mức tăng trưởng của doanh thu lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đang giảm dần qua các tháng.

Cụ thể, doanh thu lĩnh vực này trong tháng 10 chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng bình quân 7,3% trong quý III/2023.

Mức tăng chậm lại đến từ sự suy giảm trong tốc độ tăng của bán lẻ hàng hoá khi bóc tách chi tiết là do tăng trưởng chậm lại của doanh số thực phẩm, dệt may và phương tiện đi lại, đối trọng với sự cải thiện của doanh số bán hàng gia dụng, vật phẩm văn hoá, giáo dục.

Đồng thời, VDSC quan sát thấy doanh số bán lẻ hàng hoá khác (hàng chăm sóc cơ thể, đồ trang sức, đồng hồ đeo tay, dịch vụ cắt tóc, gội đầu,...) được xem là một chỉ báo việc người dân đang nới lỏng hay tiết kiệm chi tiêu, doanh số bán lẻ lĩnh vực khác đã không tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp.

Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ sau khi loại trừ yếu tố giá, thấp hơn mức tăng 7,3% của 9 tháng 2023.    

Anh Đào