|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su tăng 28% trong nửa đầu 2019, doanh nghiệp ngành cao su làm ăn ra sao?

09:57 | 06/08/2019
Chia sẻ
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá cao su tăng 28% lên 234,5 yen/kg. Trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp trong ngành báo lợi nhuận sau thuế giảm nhưng cũng có doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng khá.

Giá cao su phục hồi nhờ sản lượng giảm, tiêu thụ tăng

Giá cao su trong 6 tháng đầu năm nay đã bại sàn giao dịch Tocom Nhật Bản, chốt phiên giao dịch ngày 28/6, giá cao su giao kỳ hạn tháng 7 ở mức 234,5 yen/kg, tăng 8,6% so với cuối tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá cao su tăng 28%.

giá cao su

Diễn biến giá cao su 6 tháng đấu năm (Đức Quỳnh tổng hợp)

Theo Hiệp hội sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) giá cao su bắt đầu tăng trở lại nhờ sản lượng cao su toàn cầu giảm 5,1% so với cùng kì năm ngoái xuống còn 3,9 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng 1% lên gần 4,6 triệu tấn.

Tại Việt Nam, sản lượng cao su một số doanh nghiệp lớn trong ngành cũng ghi nhận giảm. Điển hình như Cao su Phước hòa khi sản lượng khai thác tính đến 30/6 chỉ đạt gần 3.500 tấn mủ khô, tương đương 30% kế hoạch năm, giảm 7,5% so với cùng kì năm ngoái. Nguyên nhân là do diện tích vườn khai thác giảm so với cùng kì năm ngoái.

Cao su Phước Hòa (mã: PHR) cho biết tình hình tiêu thụ 6 tháng đầu năm khá tốt, sản lượng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có hàng tồn kho. Lũy kế đến tháng 6, lượng tiêu thụ đạt hơn 12.700 tấn mủ thành phẩm, đem về doanh thu gần 429 tỉ đồng. 

Sản lượng khai thác của Cao su Đồng Phú (Mã: DPR) trong 6 tháng đấu năm cũng giảm 5,6% xuống gần 4.400 tấn, tương đương gần 29% kế hoạch năm. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của Đồng Phú giảm 4% xuống hơn 4.490 tấn. Tồn kho tính đến ngày 30/6 giảm nhẹ 2,2% xuống gần 1.360 tấn.

Những 'ông lớn' báo lợi nhuận giảm

Theo báo cáo công bố, đoanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) nửa đầu năm nay đạt hơn 430 tỉ đồng, tăng gần 16% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế của công ty lại giảm mạnh gần 33% xuống 140,5 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm hơn 8% xuống 103,7 tỉ đồng.

Một số chi phí của công ty trong giai đoạn này tăng mạnh như chi phí bán hàng (tăng 60%), chi phí khác (143%). Giá vốn bán hàng của công ty cũng tăng 26% lên gần 203 tỉ đồng trong khi thu nhập khác giảm hơn một nửa còn 51 tỉ đồng.

Trái với Phước Hòa, doanh thu tiêu thụ cao su, dịch vụ của Đồng Phú trong giảm 15% xuống 333 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh tới 31% xuống gần 122 tỉ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm 39% xuống 159 tỉ đồng do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng (lần lượt 20% và 66%) trong khi lợi nhuận gộp giảm.

Cao su

Kế quả kinh doanh của ba công ty cao su Phước Hòa, Đồng Phú và Tây Ninh trong 6 tháng đầu năm 2019 (Đức Quỳnh tổng hợp)

Tương tự, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của của Cao su Tây Ninh (Mã: TRC) giảm 7,7% xuống 131,4 tỉ đồng kéo theo lợi nhuận gộp giảm 5% xuống gần 115 tỉ đồng.

Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh tới 33% xuống còn 29 tỉ đồng do các khoảng lợi nhuận như lợi nhuận kế toán trước thuế, lợi nhuận khác, thu nhập khác đều giảm khoảng 32%. Các khoản thu nhập khác của Cao su Tây Ninh chủ yếu đến từ thanh lí tài sản.

Kế hoặch năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 390 tỉ đồng và 106 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Điều này đồng nghĩa với sau 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện 34% kế hoạch doanh thu và 35% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm 2019.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lãi nghìn tỉ

Đi ngược với xu hướng của nhiều công ty cao su lớn, doanh thu bán hàng và dịch vụ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) tăng nhẹ 8,5% trong 6 tháng đầu năm nay lên hơn 7.600 tỉ đồng.

Đồng thời, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.000 tỉ đồng nhờ chi phí quản lí doah nghiệp và chi phí tài chính được cắt giảm.

Tập đoàn đang quản lý 407.800 ha diện tích cao su trong đó một nửa là diện tích cao su kinh doanh.  Năm 2018, năng suất vườn cây bình quân toàn Tập đoàn đạt trên 1,5 tấn/ ha. Trong đó các công ty khu vực Đông Nam bộ đạt bình quân 1,9 tấn/ha. 

Mỗi năm Tập đoàn chế biến trên 350.000 tấn mủ cao su. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn cung cấp các chủng loại cao su giống và cây non, cũng như các phương pháp kỹ thuật canh tác cao su nhằm hỗ trợ cho nông dân.

Tập đoàn chiếm hơn 35% sản lượng của Việt Nam, có ưu thế về quy mô trong đàm phán tiêu thụ. 

Hiện tại, Tập đoàn không mở rộng qui mô trồng mới cây cao su để giới hạn nguồn cung ra thị trường và đang có những giải pháp để tiếp tục giảm chi phí lao động, chi phí phân bón, canh tác .... nhằm bảo đảm tính cạnh tranh và hiệu quả.

Cùng với các công ty khác, doanh thu thuần Cao su Thống Nhất sụt giảm nửa đầu 2019

Doanh thu thuần của Công ty CP Cao su Thống Nhất (mã TNC) trong 6 tháng đầu năm cũng giảm 20% xuống còn 26,5 tỉ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp giảm tới 42% xuống 3,4 tỉ đồng. 

thống nhất

Kết quả kinh doanh 6 tháng đấu năm của Công ty CP Cao su Thống Nhất (Đức Quỳnh tổng hợp)

Mặc dù vậy, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng tới 90% lên 37 tỉ đồng nhờ một số khoản tăng mạnh như thu nhập khác (tăng hơn 740%), lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (tăng 76%), lợi nhuận khác (tăng 180%). 

Trong năm nay, Cao su Thống nhất đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 24,5 tỉ đồng. Như vậy, mới hết nửa năm 2019, Cao su Thống Nhất đã vượt kế hoạch năm tới 48%.

Dự báo lợi nhuận cả năm 2019 của các doanh nghiệp cao su ra sao?

Mặc dù, giá cao su đã chứng kiến sự phục hồi tốt nửa đầu năm 2019, tuy nhiên CTCP Chứng khoán Ngân hàng Phát triển và Đầu tư Việt Nam (BSC) cho rằng dư địa tăng trưởng giá cao su sẽ không còn nhiều.

Nguyên nhân là do tiêu thụ thị trường ô tô Trung Quốc vẫn đang trong xu hướng giảm và tình trạng dư cung tiếp diễn mặc dù có động thái cắt giảm sản lượng cung của 3 nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia nhằm hỗ trợ tăng giá. 

Chứng khoán BSC không mấy lạc quan về triển vọng một số công ty cao su Việt Nam trong cả năm 2019. Đối với Cao su Đồng Phú,  BSC cho rằng lợi nhuận sau thuế dự kiến năm 2019 ở mức 185 tỉ đồng, giảm 21% so với năm 2018.

Cùng với đó, Chứng khoán BSC đưa ra dự báo doanh thu thuần của Cao su Tây Ninh năm nay giảm 11% xuống 413 tỉ đồng. 

Trong đó, doanh thu kinh doanh mủ cao su ước đạt 345,1 tỉ đồng giảm 2,2%. Sản lượng tiêu thụ cao su ước tính năm 2019 của công ty ước giảm 18% xuống gần 9.600 tấn do vườn cao su ở Campuchia mới đưa vào khai thác chưa mang lạ nhiều sản lượng trong khi đó mỗi năm thanh lý 300 - 400 ha vườn cây già thu hẹp quy mô khai thác.

Năm 2019, Cao su Tây Ninh dự kiến tiến hành thanh lý khoảng 350 ha, hiện tại giá bán trung bình khoảng 180 triệu đồng/ha, ước tính mang lại thu nhập hơn 63 tỉ đồng giảm 37,3% so với cùng kì năm ngoái.

Tuy nhiên đối với Cao su Phước Hòa, Chứng khoán BSC cho rằng lợi nhuận sau thuế của Phước Hòa có thể tăng tới 91% trong năm 2019 lên gần 1.200 tỉ đồng, mặc dù doanh thu thuần giảm 2% xuống hơn 1.500 tỉ đồng.

Đức Quỳnh