|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

FWD lần đầu tiên báo lãi kể từ khi vào Việt Nam, vẫn còn lỗ lũy kế gần 6.100 tỷ đồng

20:06 | 20/04/2024
Chia sẻ
Lần đầu tiên sau 7 năm bước chân vào Việt Nam, FWD đã ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty vẫn còn khoản lỗ lũy kế lên tới 6.091 tỷ đồng.

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính năm 2023 với lợi nhuận sau thuế 878 tỷ đồng. Vào năm 2022, công ty bảo hiểm này từng lỗ 1.684 tỷ đồng.

2023 đánh dấu lần đầu tiên kể từ 2015 mà FWD ghi nhận lợi nhuận. Do liên tiếp thua lỗ trong nhiều năm, vào cuối 2023, công ty đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 6.091 tỷ đồng. 

FWD ghi nhận khoản lãi đầu tiên sau nhiều năm. Năm 2016, FWD đã mua lại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam (Great Eastern Việt Nam) và bước chân vào thị trường Việt Nam. 

Trong năm 2023, hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính của công ty đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đem về khoản lãi thuần 2.990 tỷ đồng, tăng 16,1% nhờ chi phí được cắt giảm 30%.

Các khoản phí được cắt giảm nhiều nhất là dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc và chi hoa hồng bảo hiểm. Trong khi đó, chi bồi thường bảo hiểm của FWD đã tăng 23% so với năm 2022. 

Lãi thuần từ hoạt động tài chính của FWD đã tăng 69,2% so với cùng kỳ, đem về 674 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu hoạt động tài chính đến từ tiền gửi (473 tỷ đồng) và trái phiếu (141 tỷ đồng). Các quỹ liên kết đơn vị không đóng góp nhiều cho doanh thu tài chính của FWD. Ngoài ra, trong năm 2023, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác của FWD giảm 32,1% xuống 76 tỷ đồng.

Một yếu tố giúp công ty bảo hiểm này ghi nhận khoản lợi nhuận đầu tiên là chi phí bán hàng giảm hơn một nửa. Năm 2022, FWD từng chi gần 3.814 tỷ đồng cho những khoản chi này, chủ yếu là quản lý các kênh phân phối (2.618 tỷ đồng) và quảng cáo bán hàng (1.069 tỷ đồng). Sang năm 2023, công ty đã thu hẹp đáng kể các khoản chi trên, chỉ còn bỏ ra 970 tỷ đồng cho các kênh phân phối và 827 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo.

Chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm 2023 gần như đi ngang, giúp lợi nhuận trước thuế đạt 878 tỷ đồng. Trong năm 2023, FWD không phải chịu chi phí thuế TNDN do được chuyển lỗ từ những năm trước để bù trừ thuế.

 

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của FWD ở mức 19.562 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm, thuộc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có quy mô trung bình (Sun Life, Generali, Chubb Life, Cathay Life, Hanwha Life ...). Tuy nhiên, vốn điều lệ của công ty lại thuộc top dẫn đầu, đạt 19.102 tỷ đồng vào cuối năm 2023, chỉ xếp sau Manulife. Do có khoản lỗ lũy kế gần 6.100 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu của FWD ở mức 13.054 tỷ đồng. 

Tính đến cuối năm 2023, giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn của FWD là 4.600 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối 2022. Trong đó, phần lớn là tiền gửi (4.008 tỷ đồng) và khoản đầu tư thuộc quỹ liên kết đơn vị, chủ yếu bao gồm cổ phiếu niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp. Cuối năm 2023, FWD nắm gần 263 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, chiếm tỷ trọng tương đối thấp trong danh mục đầu tư. 

Các khoản đầu tư dài hạn của FWD được phân bổ giữa tiền gửi dài hạn (3.336 tỷ đồng) và trái phiếu (2.557 tỷ đồng). Công ty nắm 1.740 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm 2023. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn đã tăng 26,8% so với cuối năm 2022, lên 5.893 tỷ đồng. 

 

Vào cuối năm 2023, FWD có 525 nhân viên, giảm 26 người so với thời điểm cuối năm 2022. Trong năm 2023, tổng chi phí nhân viên của FWD là 653,6 tỷ đồng. Từ con số này, có thể ước tính rằng trung bình mỗi năm, công ty đang chi hơn 1,2 tỷ đồng/nhân viên, tương đương 101 triệu đồng/người/tháng.

Minh Quang

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.