Financial Times: Vàng sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn
Ngân hàng Trung ương Hà Lan gần đây đã lập luận trong một bài báo rằng nếu xảy ra việc thiết lập lại tiền tệ, vàng có thể đóng vai trò là cơ sở để xây dựng lại hệ thống tiền tệ toàn cầu.
"Vàng thúc đẩy niềm tin vào sự ổn định tài sản của ngân hàng trung ương và tạo cảm giác an toàn", ngân hàng lập luận.
Tuy nhiên, những thảo luận về vàng cho thấy điều ngược lại. Nhà đầu tư Ray Dalio gần đây đã khiến những người tham dự tại hội nghị của Viện Tài chính Quốc tế kinh hãi khi ông đề cập đến một khả năng là đầu tư vào vàng vì lo ngại về tình hình tài chính của Mỹ.
Đây không phải một vấn đề mới.
Kể từ ít nhất năm 2016, những nhà khổng lồ tài chính gồm cả giám đốc Jamie Dimon của JPMorgan và giám đốc quĩ phòng hộ Stanley Druckenmiller đã chỉ ra rằng các khoản lương hưu và chăm sóc sức khỏe không được chính phủ trợ cấp là một tảng băng trôi đối với nền kinh tế Mỹ.
Thật vậy, giả thuyết gần đây về một cuộc khủng hoảng trên thị trường cho vay qua đêm bắt nguồn từ thâm hụt liên bang và sự không sẵn sàng cung cấp vốn ngày càng cao của các nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ.
Tuy nhiên, ông Dalio đã đi xa hơn, kết luận rằng cuộc khủng hoảng chi tiêu chính phủ của Mỹ nghĩa là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tiếp tục tăng tài sản của mình vô thời hạn, và giữ lãi suất ở mức thấp (hoặc thậm chí âm) trong tương lai để Mỹ có thể tiếp tục trả nợ.
Điều đó sẽ làm đồng USD trượt giá. Trường hợp tệ nhất, điều đó không bao giờ kết thúc có hậu.
Những ví dụ về sự giảm giá nhanh chóng của các loại tiền tệ gồm Roma vào cuối thế kỉ thứ ba, Cộng hòa Weimar giữa hai cuộc chiến của Đức và Zimbabwe.
Tại thời điểm nào đó trong tương lai, ông Dalio lập luận, không ai muốn sở hữu nợ của Mỹ hoặc USD, và các nhà đầu tư sẽ tìm đến các tài sản khác để đảm bảo an toàn.
Ảnh: Financial Times.
Vàng là duy nhất
"Câu hỏi là, còn gì nữa không? Đó là môi trường mà tôi nghĩ chúng ta sẽ tham gia. Và có một câu nói rằng vàng là tài sản duy nhất bạn có thể sở hữu mà không phải chịu trách nhiệm của người khác", ông Dalio chia sẻ.
Nhà phân tích Luke Gromen đã trình bày rõ ràng vấn đề này bằng logic toán học trong một bức thư gần đây.
Ông tính toán rằng các khoản thanh toán cho chi tiêu chính phủ hàng năm của Mỹ tổng cộng lên tới 112% các khoản thu thuế liên bang của Mỹ.
Các khoản chi được ông xác định được gồm phúc lợi y tế, Medicaid (bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập) và an sinh xã hội, cộng với chi tiêu quốc phòng và tiền lãi cho khoản nợ liên bang
Con số này đã tăng từ mức 103% chỉ 15 tháng trước và 95% hai năm trước, khi doanh thu của chính phủ giảm do chính sách giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính sách giảm thuế đã giúp giá cổ phiếu tăng cao.
Mỹ đã hoàn toàn phụ thuộc vào lạm phát giá tài sản chocác khoản thu thuế, ông Gromen viết và nói thêm rằng cách duy nhất để Mỹ có thể thanh toán các khoản nợ hàng năm là để giá tài sản tự leo lên, hoặc cho Fed in đủ tiền để làm tăng giá tài sản.
Financial Times dự đoán Fed sẽ giống như mọi ngân hàng trung ương, làm những gì được yêu cầu về mặt chính trị. Cả Mỹ và thế giới đều không có khả năng để Mỹ vỡ nợ. Vì vậy, giá cổ phiếu sẽ tăng ở thời điểm hiện tại.
Theo Joseph Schumpeter, tầm quan trọng của chính sách kinh tế là chính trị.
Giá cổ phiếu tăng kể từ khi Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 7. Cùng với đó có thể là việc nới lỏng các qui định tài chính được ban hành sau cuộc khủng hoảng năm 2008, và thậm chí có thể là một đợt giảm thuế mới trước cuộc bầu cử năm 2020.
Ông Trump xác định sự thành công của mình bằng thị trường.
Tuy nhiên về lâu dài, sự tăng trưởng nhờ tài chính này sẽ àm xói mòn niềm tin vào đồng bạc xanh, đặc biệt là vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc đang đi theo những hướng khác nhau.
Trung Quốc hiện là người mua khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, và đang tìm cách bắt đầu định giá cho mặt hàng này và các mặt hàng khác bằng tiền riêng của mình.
Trung Quốc cũng đang kinh doanh nhiều bằng đồng euro, vì họ cố gắng đưa châu Âu vào quĩ đạo kinh tế của riêng mình.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần đây đã phát hành trái phiếu mệnh giá euro đầu tiên trong 15 năm. Đồng thời bỏ việc mua dầu bằng USD và tăng cường quan hệ với các công ty của Liên minh châu Âu (EU) như Airbus.
Việc từ bỏ sự phụ thuộc vào đồng USD của châu Âu và châu Á sẽ hỗ trợ cho thế giới quan của ông Dalio.
Vì vậy, sẽ có sự chuyển đổi sang một tài sản dự trữ khác USD như vàng. Sự thay đổi này sẽ buộc Mỹ phải bán USD để giải quyết cán cân thanh toán trong tài sản dự trữ trung lập mới.
Một số người có thể lập luận rằng ngay cả khi đồng USD suy yếu và các chủ nợ mất niềm tin vào khả năng trả nợ của Mỹ, thị trường vẫn có thể duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian.
Tuy nhiên, thế giới đang trải qua giai đoạn mất cân bằng. Và lịch sử cho thấy khi điều đó xảy ra, cuối cùng nó có xu hướng dẫn tới sự sụp đổ giá tài sản ở bất cứ quốc gia nào có liên quan đến trật tự cũ.