|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVN sẽ không còn độc quyền truyền tải điện từ năm 2023?

17:45 | 12/01/2021
Chia sẻ
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là thực hiện thị trường hóa giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đồng thời đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra ngày 12/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận trong năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng EVN cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 

Một trong những thành công mà EVN đã thực hiện được trong năm 2020 là đưa chỉ số tổn thất điện năng giảm xuống mức 6,42%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển.

EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện với tổng giá trị đầu tư đạt 88.400 tỷ đồng, đã đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện, giải toả công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

“EVN hiện đang độc quyền truyền tải điện. Chính vì vậy, cần tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư điện, xây dựng hạ tầng an toàn, chất lượng để đưa điện từ các nhà máy điện vào lưới điện quốc gia”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bước sang năm 2021, năm khởi đầu cho giai đoạn phát triển 2021-2025, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, EVN sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.

EVN sẽ không còn độc quyền truyền tải điện từ năm 2023? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: EVN)

Thứ nhất là hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt là các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành điện còn nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là vẫn đề bảo lãnh vay vốn của tập đoàn, vốn đầu tư cho phát triển ngành điện rất lớn, nhưng việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn. 

Dự án hàng tỷ USD nhưng rất thiếu vốn. Bên cạnh đó là yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, trong khi công nghệ của một số nhà máy đã lạc hậu, để đáp ứng yêu cầu phải đầu tư các nguồn điện sạch, giá cao như điện mặt trời…

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Các nguồn nhiên liệu sơ cấp truyền thống trong nước như than, thuỷ điện, khí tự nhiên ngày càng cạn kiệt… trong khi nhu cầu phát triển nguồn điện ngày càng lớn. Và EVN phải đảm bảo phát triển thủy điện mà không phá môi trường, không tạo ra lũ lụt, ảnh hưởng tới người dân”

Theo đó, EVN cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, để giảm bớt sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu sơ cấp nước ngoài. Tập trung bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. 

“Nếu giá điện cao thì sản phẩm Việt Nam không cạnh tranh được”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Ngoài ra, ông yêu cầu phải phát triển hạ tầng ngành điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Đặc biệt là đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành quy hoạch điện VIII, trong đó lưu ý xác định rõ quy mô, tổng công suất nguồn điện cho từng giai đoạn. 

Xác định rõ cơ cấu nguồn điện, ưu tiên các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo với cơ cấu phù hợp đảm bảo vận hành an toàn hệ thống trong từng giai đoạn.  Xác định rõ không gian bố trí và thời gian thực hiện đầu tư các nguồn điện phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương. 

Quy hoạch phát triển mạng lưới truyền tải đáp ứng yêu cầu giải toả công suất nguồn điện, truyền dẫn điện đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện, thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Bảo đảm kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Đồng thời đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023.

Theo EVN, một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2021 của Tập đoàn là điện thương phẩm đạt  228,156 tỷ kWh, tăng 5,16% so với năm 2020; chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện chỉ số SAIDI thấp hơn 349 phút; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn dưới 6,35%.

Ngoài ra chỉ số tiếp cận điện năng duy trì vị trí trong ASEAN 4; tổng giá trị đầu tư xây dựng đạt hơn 97.100 tỷ đồng...

Như Huỳnh