EU ưu tiên hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế số
Đại sứ Giorgio Aliberti khẳng định, EU coi Việt Nam là đối tác tiềm năng trong rất nhiều lĩnh vực. Với những thế mạnh vốn có, Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư EU, đặc biệt là các cơ quan đầu não.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa EU và Việt Nam được thể hiện qua việc ký kết nhiều hiệp định quan trọng trong thời gian gần đây, như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (IPA), Hiệp định Hợp tác quốc phòng về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA).
Ảnh minh họa
Tân Đại sứ cho biết thêm, EU vừa kết thúc bầu cử. Đầu tháng 12 là giai đoạn Ủy ban châu Âu và lãnh đạo của EU bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mới. Họ đặt ra những ưu tiên, tham vọng quan trọng về chống lại biến đổi khí hậu.
EU mong muốn sẽ là lục địa trung hòa về cacbon vào năm 2050, và đi tiên phong trong vấn đề này. Vì vậy, EU muốn trở thành đối tác có vai trò rất tích cực hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, EU hướng tới những cách thức mang tính khác biệt, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực cụ thể như năng lượng tái tạo, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch...
Một trong những khái niệm mang tính then chốt đó là phát triển bền vững. “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu”- tân Đại sứ nhấn mạnh.
Một ưu tiên khác của ông Giorgio Aliberti trong nhiệm kỳ này là kinh tế số. EU hỗ trợ Việt Nam trong tham vọng theo đuổi nền kinh tế số cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - điều này mang lại lợi ích cho cộng đồng trong tương lai. Việt Nam có mức tăng trưởng GDP đáng ngạc nhiên, mức thu nhập tốt hơn so với trước đây (ở ngưỡng trung bình).
Song, Việt Nam đang đối mặt với rủi ro đó là không nâng được mức thu nhập cao hơn nữa để thoát khỏi mức thu nhập trung bình. Trong khi đó, EU có nhiều kinh nghiệm có thể hỗ trợ Việt Nam về công nghệ.
Cụ thể, EU sẽ hỗ trợ kỹ năng, công nghệ và kinh nghiệm về phát triển kinh tế số cho Việt Nam, từ đó mang lại giá trị lợi ích cho xã hội, tạo ra môi trường tốt hơn từ sự phát triển của công nghệ. Với mục tiêu này, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam theo từng giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên tiếp tục tập trung vào điện khí hóa nông thôn, nâng cao năng lực quản trị công cho Việt Nam. Ông Giorgio Aliberti cũng nhấn mạnh, sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang châu Âu, để các sản phẩm của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường này.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam; đứng thứ 5 trong số những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 2.133 dự án đã được đăng ký.