Đường vành đai phía Tây quyết định không gian mới của TP Cần Thơ
Ngày 31/3, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Giao thông Vận tải cùng các sở, ngành chức năng về tiến độ triển khai dự án Đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ.
Dự án Đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt tháng 11/2021.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 19,3km, đi qua địa bàn 5 quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết dự án Đường vành đai phía Tây với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng sau khi điều chỉnh bổ sung là quy mô vốn rất lớn, là công trình quan trọng bậc nhất của thành phố trong nhiệm kỳ này.
Dự án này sẽ quyết định đến không gian phát triển mới của thành phố, thu hút đầu tư cũng như các vấn đề liên quan đến tăng trưởng, phát triển của Cần Thơ trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Đánh giá cao sự quyết liệt của Ủy ban Nhân dân thành phố cùng các sở, ngành trong việc triển khai dự án, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh đây là dự án được Thành ủy rất quan tâm.
“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV có thành công hay không là do các công trình lớn này có được triển khai tốt không,” ông Lê Quang Mạnh nói.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, thời gian tới có rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện, như năng lực thi công, năng lực quản lý dự án. Do đó, đây chính là công trình để thành phố nâng cao năng lực quản lý dự án, chuẩn bị mặt bằng cũng như có được những công trình tốt nhất, được triển khai nhanh nhất trong giai đoạn hiện nay.
Ông Lê Quang Mạnh đề nghị các địa phương có dự án đi qua sau cuộc họp cần lập kế hoạch của mình, đến hết tháng 4 phải trình cho Hội đồng thẩm định giá thành phố liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án.
Đối với Sở Giao thông Vận tải-đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị cần triển khai đồng loạt các gói thầu xây lắp của dự án, dồn tất cả nguồn lực vào thực hiện, vừa làm vừa học cách quản lý một dự án với quy mô lớn như vậy. Chủ đầu tư cần đặt mục tiêu quyết liệt, quyết tâm cao, tổ chức giao ban hàng tuần cho đến lúc giao thầu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển, đây là dự án trọng điểm của thành phố và cần có ưu tiên tập trung đầu tư cho dự án.
Qua báo cáo tại cuộc họp, dự án phát sinh thêm 1,6 km thuộc địa bàn quận Ninh Kiều, ông Hiển yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư trình kế hoạch thu hồi phần đất và giao cho Sở Giao thông Vận tải để thực hiện dự án. Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải hoàn thiện các khâu để trình Ủy ban Nhân dân, sau khi họp xong Ủy ban Nhân dân sẽ trình HĐND thành phố theo đúng quy trình.
Ông Dương Tấn Hiển nhấn mạnh cần phải hoàn thiện các khâu để tháng 5, tháng 6 tiến hành đấu thầu dự án và việc giải phóng mặt bằng phải được 50% thì sẽ tiến hành khởi công.
Về bồi thường tái định cư, các quận, huyện phải rà soát các trình tự, thủ tục, đo đạc, tiến hành kiểm kê hoa màu, vật kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, tất cả moi công việc phải thực hiện song song và hoàn thành trước 30/4 để trình Ủy ban Nhân dân thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, để dự án nhanh được triển khai, các địa phương, sở, ngành cùng phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thẩm định và phê duyệt giá bồi thường. Đồng thời phải ra thông báo thu hồi đất trong tuần tới và tháng 5 hoàn thành các bước phê duyệt kinh phí và thông báo để người dân nhận tiền bồi thường.
Ngoài ra, các địa phương, sở, ngành đẩy nhanh việc thực hiện tái định cư đảm bảo nhanh, đúng quy định; trong đó, huyện Phong Điền tập trung làm ngay khu tái định cư để bố trí cho người dân. Các quận Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng mở rộng các khu tái định cư sẵn có để sớm bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết, Sở Giao thông Vận tải thành phố cùng các sở, ngành liên quan sẽ phấn đấu hoàn thành các công việc còn lại trong thời gian sớm nhất, phấn đấu đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2022 sẽ tiến hành khởi công dự án Đường vành đai phía Tây.
Dự án có 7 gói thầu, bao gồm 6 gói thầu xây lắp và một gói thầu điện chiếu sáng; trong đó, gói thầu có giá trị cao nhất là công trình cầu Ba Láng bắc qua sông Cần Thơ với mức đầu tư hơn 520 tỷ đồng và đây cũng là gói thầu sẽ được khởi công đầu tiên của dự án Đường vành đai phía Tây.’
Điểm đầu của đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ giao Quốc lộ 91 (Km20+370, gần cầu Ô Môn) và giao đường tỉnh 922, điểm cuối giao Quốc lộ 61C (Km1+400). Mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m; ttrong đó phần mặt đường 11m, vận tốc thiết kế từ 50-60 km/giờ.
Toàn tuyến có 25 cây cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài gần 518m; 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe.
Theo phê duyệt ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án là gần 3.838 tỷ đồng (chưa tính đoạn bổ sung dài 1,6 km qua địa bàn quận Ninh Kiều); trong đó, chi phí xây dựng 2.684 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 829 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng… Nguồn vốn đầu tư là từ ngân sách Trung ương, địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thời gian thực hiện từ năm 2021-2026; trong đó, giai đoạn 2021-2025 là gần 3.400 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác). Sau năm 2025, tiếp tục bố trí các kinh phí còn lại sau khi dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án.
Trong phạm vi của dự án có khoảng 598 hộ dân đủ điều kiện tái định cư, chiếm khoảng 2,8% trong tổng thể diện tích cần giải phóng mặt bằng, phần diện tích còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Do đó không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án.
Thành phố ưu tiên và khuyến khích tái định cư phân tán, trường hợp phải bố trí tái định cư sẽ xem xét bố trí tái định cư vào các khu tái định cư được đầu tư xây dựng trên địa bàn các quận, huyện.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, tuyến đường này khi hoàn thành sẽ giúp hình thành trục vành đai ngoài phía Tây đặc biệt quan trọng của thành phố Cần Thơ, kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C, kết hợp với Quốc lộ 1A tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, kết nối thành phố Cần Thơ với các tỉnh lân cận, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/