|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đường sắt vẫn tiếp tục hụt hơi

10:08 | 05/01/2020
Chia sẻ
Sản lượng và doanh thu của toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) 2019 vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra và thấp hơn so với cùng kì năm trước, cùng với đó là toàn cảnh bức tranh sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt chưa có nhiều khả quan trong những năm tiếp theo.

Đó là thực trạng được nêu ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng công ty ĐSVN ngày 4-1 tại Hà Nội.

Thông tin từ Tổng công ty ĐSVN, sau hơn 1 năm chuyển về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNNTDN), kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này không khả quan như mong đợi. 

Tại công ty mẹ,  doanh thu đạt gần 2.400 tỷ đồng, bằng 93% so với cùng kỳ và 97% so với kế hoạch. Các công ty vận tải cũng chỉ đạt doanh thu hơn 4.200 tỷ đồng, bằng 98,7% so với cùng kỳ và 92% so với kế hoạch. 

Mặc dù các công ty vận tải đã tích cực tìm kiếm, khai thác thêm các luồng hàng mới, triển khai các sản phẩm mới nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp sự sụt giảm của luồng hàng truyền thống như apatit, phân bón, xi măng, nhiều mặt hàng cũ đã mất hẳn khách hàng như gỗ, than, xăng dầu. 

Về vận tải hành khách, hệ số sử dụng chỗ trên các đoàn tàu khai thác cũng thấp và giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt vẫn diễn biến phức tạp. 

Tuy các chỉ số về số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn đường sắt có giảm so với năm trước nhưng vẫn đang còn ở mức cao, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt gây bức xúc trong xã hội.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN, cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh của ngành trong năm qua gặp nhiều khó khăn do công tác tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2017 - 2020 vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. 

Hiện những bất cập về tổ chức, quản lý chưa được giải quyết, nhất là trong khối vận tải, dẫn đến cạnh tranh nội bộ và phát sinh nhiều nghiệp vụ phức tạp. Bên cạnh đó, những tồn tại về tài chính liên quan đến việc thuê đất tại 31 Láng Hạ, 551 Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) cũng là nguyên nhân kéo giảm hiệu quả kinh doanh chung của ngành. 

Một hệ lụy rất đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty là việc tuyển dụng nhân lực phục vụ chạy tàu như công nhân tuần cầu, tuần đường, gác đường ngang, khám chữa toa xe... đang ngày càng khó khăn, thậm chí việc tuyển sinh để đào tạo theo vị trí việc làm cũng không đảm bảo chỉ tiêu.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban QLVNNTDN, thừa nhận, những khó khăn nội tại của ngành đường sắt và nhiều vướng mắc về cơ chế chưa được tháo gỡ khiến kết quả kinh doanh vẫn đạt thấp. 

Ủy ban QLVNNTDN đã phối hợp để thúc đẩy nhưng thời gian tiếp cận còn ngắn, chuyên môn nghiệp vụ của Ủy ban còn chưa chuyên sâu nên vẫn chưa thể có tác động tích cực hơn đối với Tổng công ty ĐSVN.

Năm 2020, Tổng công ty ĐSVN đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải hàng hóa. 

Trước mắt, Tổng công ty ĐSVN sẽ xây dựng biểu đồ chạy tàu phù hợp để nâng cao hiệu quả khai thác, trong khi vẫn triển khai thi công các dự án quan trọng nâng cao năng lực, an toàn chạy tàu sử dụng gói 7.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020. 

Bên cạnh đó, đề án Tái cơ cấu tổng công ty sẽ được tập trung triển khai ngay sau khi được phê duyệt. Sắp tới, Tổng công ty ĐSVN sẽ tiếp tục giải trình với Chính phủ để được phê duyệt đề án Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia do Nhà nước đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Minh, cái cần nhất hiện nay của ngành đường sắt là thay đổi tư duy, cả tư duy của người làm đường sắt và tư duy của xã hội về đường sắt. 

Ông Vũ Anh Minh cho rằng, ngành đường sắt cần điều chỉnh mục tiêu ngắn hạn sang mục tiêu dài hạn thì mới có thể góp phần giảm chi phí logistic, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như kỳ vọng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. 

Thực tế là, các loại hình giao thông khác như hàng hải, hàng không, đường bộ đều có một phần kết cầu hạ tầng như cảng, bến bãi là của  doanh nghiệp nhưng riêng đường sắt thì cả kết cấu hạ tầng, nhà ga đều của Nhà nước. 

Đơn cử như Sông Lũy, theo tính toán của Tổng công ty ĐSVN, nếu bỏ vào 30 tỷ đồng, mỗi năm có thể thu về 200 tỷ đồng, thế nhưng Nhà nước hiện không có tiền đầu tư, doanh nghiệp không có quyền bỏ tiền vào, đó là nút thắt lớn, cần được tháo gỡ.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh của Tổng công ty ĐSVN trong năm 2020 sẽ được Ủy ban QLVNNTDN xây dựng xong trong tuần tới. Để đạt được chỉ tiêu này, Ủy ban QLVNNTDN đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ Tổng công ty ĐSVN sớm ban hành đề án Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt. 

Bên cạnh đó, cần bổ sung cơ chế và chính sách phù hợp để đường sắt nâng cao năng lực cạnh tranh, có cơ sở để xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025 một cách chính xác và khả thi hơn.

Bích Quyên