|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Nhơn Hòa sắp khởi công sau hai lần lỡ hẹn, sẽ giao cắt với 2 tuyến cao tốc lớn

07:43 | 10/03/2023
Chia sẻ
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Nhơn Hòa được khởi công từ năm 2007 và đã trải qua hai lần tạm dừng thi công vào các năm 2011 và 2019. Tại ĐTM vừa công bố, dự án này sẽ khởi công ngay trong năm 2023.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Viện chuyên ngành Môi trường.

Toàn cảnh hướng tuyến Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Nhơn Hòa từ bản đồ. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Dự án nhiều thăng trầm

Đường Hồ Chí Minh trước đây có tên là Xa lộ Bắc Nam, là một tuyến đường quan trọng chạy từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) tạo thành một trục giao thông xuyên Việt.

Đoạn Chơn Thành - Nhơn Hoà là một dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh. Dự án được phê duyệt đầu tư lần đầu tiên vào tháng 12/2007 với chiều dài 84 km theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tổng mức đầu tư 3.389 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Dự được triển khai thi công từ năm 2009 và hoàn thành khoảng 10 km đầu tuyến. Đến tháng 3/2011, dự án phải tạm dừng theo Nghị quyết của Chính phủ.

Tháng 11/2014, Bộ GTVT đã cho phép lập dự án theo hình thức BOT, đồng thời báo cáo và được Thủ tướng cho phép triển khai, được chấp thuận bố trí 430 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (còn dư của dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên).

Tháng 6/2016, dự án được phê duyệt điều chỉnh và đến năm 2017 được phê duyệt theo phương thức BOT với tổng vốn 2.207 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 22 năm 9 tháng để kêu gọi nhà đầu tư.

Quá trình triển khai do vướng mắc về thủ tục (trạm thu phí, lãi suất huy động vốn đầu tư, các chi phí liên quan...) dẫn đến dự án không khả thi về phương án tài chính, do đó đã dừng triển khai dự án vào năm 2019. Tháng 6/2022, Bộ GTVT đã có quyết định chính thức dừng triển khai dự án theo phương thức BOT.

Tính đến thời điểm hiện nay, dự án đã hoàn thành 10 km đầu tuyến, 4 cầu trên tuyến và nút giao với Quốc lộ, cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe...

Ngày 28/7/2022, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa với chiều dài khoảng 73 km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ đi qua địa phận các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Điểm đầu tuyến tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, Bình Dương. Điểm cuối tuyến giao với quốc lộ N2 thuộc huyện Đức Hoà, Long An. Tổng chiều dài toàn tuyến 72,75 km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với quốc lộ 22 đã đầu tư).

Về hiện trạng, phần đường đã thi công dở dang có mặt cắt ngang 12,25 m. Phần cầu đã thi công dở dang cũng có mặt cắt ngang 12,25 m và hai làn xe, là cầu đơn nguyên.

Ngoài 6 gói thầu đã hoàn thành bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các gói còn lại đến nay đều đã thi công dở dang các hạng mục như cấp phối đá dăm, đắp đất và các công trình trên tuyến (cầu, cống thoát nước).

Do thời gian dừng thi công kéo dài dẫn đến các hạng mục đã thi công bị tác động phá hoại từ các yếu tố tự nhiên cũng như hoạt động của con người. Nhiều đoạn mặt đường xuất hiện hầm, ổ voi, nhiều đoạt chi chít các hố hư hỏng.

Tổng số cầu trên tuyến là 15 cầu, trong đó có cầu vượt nút giao quốc lộ 22 đã thi công hoàn thành và cầu Suối Tre đã cơ bản thi công hoàn thiện, còn lại 11 cầu đang thi công dở dang và 2 cầu chưa triển khai thi công. Về cao độ hiện trạng, do dừng thi công đã lâu, cao độ tại thời điểm này bị thay đổi so với lúc dừng thi công...

Nhìn chung, dự án càng để lâu và kéo dài thì phạm vi và mức độ hư hỏng càng lớn, gây lãng phí phần đã đầu tư. Do đó, cần phải sớm đầu tư phần còn lại để giảm thiệt hại.

Trong khu vực dự án không có khu dự trữ sinh quyển hay vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên mà chủ yếu đi qua các khu cánh đồng trồng lúa và hoa màu và đất rừng sản xuất của người dân.

Sơ đồ đoạn đã đưa vào khai thác của dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Sẽ giao cắt với 2 cao tốc lớn

Về hạng mục chính, trong lần tái khởi động này, tuyến sẽ được đầu tư xây dựng 72,75 km đường chuẩn cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h, mặt cắt ngang 12,25 m, mặt đường rộng 11,25 m. Xây dựng mới 2 cầu An Hoà và cầu Rạch Nhum. Thi công hoàn thiện 12 cầu còn lại. Các công trình phụ trợ trên tuyến bao gồm hệ thống thoát nước, gia cố phòng hộ, an toàn giao thông, chiếu sáng trong nút giao, biển báo.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ giao cắt với 3 tuyến quốc lộ là QL14, QL13 và QL12; giao cắt với 9 đường tỉnh, bao gồm ĐT750, ĐT749A, ĐT748, ĐT744, ĐT789, ĐT782, ĐT821, ĐT822 và ĐT823.

Ngoài ra, tuyến dự kiến sẽ giao cắt với 2 tuyến cao tốc là Cao tốc Chơn Thành - Đắk Nông đi kèm đường sắt và Cao tốc TP HCM - Mộc Bài đi kèm đường sắt và cắt ĐT822B. Cả 3 nút giao này dự kiến là nút giao liên thông. Chưa hết, tuyến cũng có thể giao với trục động lực Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng. Các nút giao vừa nêu đang được nghiên cứu đầu tư thực hiện.

Theo ý kiến của tỉnh Tây Ninh, cần thiết phải có một nút giao kết nối với KCN Thành Thành Công tại cầu An Hoà và một nút giao tại Khu cảng quy hoạch Hưng Thuận. Về vấn đề này, đơn vị tư vấn thiết kế đang xin ý kiến chủ đầu tư.

Tuyến có thể sẽ giao cắt qua đường Tân Vạn - Mỹ Phước và quốc lộ 13. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 2.293 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 136 tỷ đồng và chi phí xây dựng là 1.790 tỷ đồng... Dự kiến trong năm 2023 dự án sẽ khởi công và hoàn thành vào 2025.

Để thực hiện dự án, dự kiến sẽ phải giải toả 2,24 ha đất ở và 31 hộ gia đình phải tái định cư của 3 tỉnh. Đây là các hộ dân đã sinh sống lâu năm, mỗi hộ trung bình 4 người. Ngoài ra, sẽ thu hồi 25 ha đất trồng lúa và 5,5 ha đất trồng cây lâu năm của người dân, tổng thiệt hại do mất đất sản xuất dự kiến khoảng 1,2 tỷ đồng.

Hoàng Huy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.