Dùng vốn ngoại tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
Ảnh minh họa |
Thu hút vốn ngoại tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém là giải pháp đã được bàn đến khá sớm và được “luật hóa” bằng quy định linh hoạt về “room ngoại”, có thể lên đến 100% so với mức thông thường là 30%.
Ngân hàng yếu kém vẫn có cái hấp dẫn
Hiện tại Việt Nam có tám ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Trước khi thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài, họ đều phải tốn thời gian tìm hiểu, thâm nhập thị trường theo ba cách sau: (1) Lập văn phòng đại diện, sau đó lập chi nhánh kinh doanh (Woori Bank, CIMB, Hong Leong Bank); (2) Mua cổ phần chiến lược tại các ngân hàng nội, tham gia điều hành để hiểu thị trường (HSBC, ANZ, Standard Chartered); (3) Thành lập ngân hàng liên doanh với một ngân hàng nội, sau đó mua lại toàn bộ cổ phần từ đối tác nội (Shinhan Bank, Public Bank). Các cách thâm nhập thị trường này đều có điểm hạn chế là tốn thời gian, mạng lưới điểm giao dịch thưa thớt. Vì vậy, mặc dù thương hiệu và tiềm lực tài chính rất mạnh nhưng thị phần của các ngân hàng ngoại khá khiêm tốn và tăng trưởng chậm (theo ước tính của các chuyên gia là vào khoảng 9% trong năm 2009, tăng lên khoảng 11% trong năm 2016).
Việc mở rộng kinh doanh của các ngân hàng ngoại sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu họ được mua lại cổ phần chi phối tại các ngân hàng nội. Nhưng do đây là ngành kinh doanh đặc biệt nên Chính phủ Việt Nam vẫn giới hạn “room ngoại” ở mức 30%. Mà nếu Chính phủ có cho phép thì các ông chủ ngân hàng nội cũng không dễ dàng nhường lại quyền chi phối. Trong bối cảnh đó, mua lại cổ phần chi phối tại các ngân hàng yếu kém trở thành một cơ hội mới cho các ngân hàng ngoại khi được Chính phủ bật đèn xanh và các ông chủ ngân hàng nội cần tiền để “xử lý hậu quả”. Mua lại và tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém có vẻ phức tạp và rủi ro, nhưng so với việc mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài mới hoàn toàn thì phương án này cũng có nhiều điểm hấp dẫn.
Trước hết, việc mua lại ngân hàng yếu kém không cần đáp ứng các điều kiện khó khăn như khi đăng ký thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (ví dụ điều kiện phải có tổng tài sản tương đương 10 tỉ đô la Mỹ trong năm trước năm đăng ký thành lập).
Thứ hai, mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch hiện hữu là tài sản rất có giá trị. Sau Thông tư 21/2013/TT-NHNN, việc mở rộng mạng lưới giao dịch bị siết lại bằng nhiều quy định. Mặc dù ngân hàng số là xu hướng phát triển nhưng trong hiện tại, hoạt động kinh doanh ngân hàng khó tăng trưởng mạnh mẽ nếu mạng lưới giao dịch thưa thớt. Lập ngân hàng mới thì sẽ tốn thời gian rất lâu để phát triển mạng lưới, nên mua lại ngân hàng yếu kém là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này.
Với tình hình tài chính - hoạt động yếu kém và triển vọng xử lý nợ xấu không sáng sủa, nhà đầu tư nước ngoài thường đề xuất mức giá mua thấp, nhất là khi họ có một lựa chọn khác là đăng ký thành lập mới ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Ngược lại, các ông chủ ngân hàng nội thì bám vào giá trị các tài sản vô hình và các quyền lợi khi nắm cổ phần chi phối ngân hàng, nên khó khăn khi thỏa thuận về giá.
Thứ ba, thương hiệu, đội ngũ nhân sự, số lượng khách hàng hiện hữu, các quy trình hoạt động cũng là những tài sản đáng giá và phải tích lũy nhiều năm mới có được. Giá trị của các tài sản vô hình này đều chưa được phản ánh trên báo cáo tài chính. Đặc biệt, nếu ngân hàng có số lượng khách hàng lớn nhưng tỷ lệ sử dụng sản phẩm bình quân/khách hàng thấp thì lại càng chứa đựng tiềm năng khai thác rất lớn đối với nhóm khách hàng hiện hữu này.
Thứ tư, với quan điểm thận trọng, các đơn vị kiểm toán thường có xu hướng đánh giá tình hình tài chính của các ngân hàng yếu kém theo hướng “xấu nhất có thể”. Ví dụ, một khoản vay được thế chấp bằng dự án chung cư đang thực hiện nhưng chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, nếu khoản vay quá hạn thì đơn vị kiểm toán sẽ yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro như một khoản vay không có tài sản đảm bảo (có thể trích lập đến 100% giá trị khoản vay). Trong khi đó, nếu chỉ cần thêm “một ít” tiền để nộp tiền sử dụng đất thì giá trị tài sản đảm bảo được nâng lên rất nhiều. Ngoài ra, đa số trụ sở ngân hàng nằm tại các vị trí đắc địa, đã được mua nhiều năm trước với giá thấp và được khấu hao, nên giá trị trong báo cáo kiểm toán thường thấp hơn nhiều giá trị thực.
Các rào cản
Trong chín ngân hàng yếu kém được công bố vào năm 2012, hai ngân hàng đã có sự tham gia mới của vốn ngoại là TPBank và SCB.
Ngoài hai ngân hàng trên, việc thu hút vốn ngoại tại các ngân hàng yếu kém khác đều chưa thành công với hai rào cản lớn là vấn đề xử lý nợ xấu và giá cả. Xử lý nợ xấu đang là bài toán đau đầu của toàn ngành ngân hàng, đối với các ngân hàng yếu kém thì lại là mấu chốt quyết định đến thành công của quá trình tái cơ cấu. Triển vọng xử lý nợ xấu hiện không sáng sủa do sự phục hồi chậm chạp của thị trường bất động sản, các tranh luận chưa ngả ngũ liên quan đến quyền thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo và thị trường mua bán nợ chưa phát triển. Điều này tạo ra rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần.
Với tình hình tài chính - hoạt động yếu kém và triển vọng xử lý nợ xấu không sáng sủa, nhà đầu tư nước ngoài thường đề xuất mức giá mua thấp, nhất là khi họ có một lựa chọn khác là đăng ký thành lập mới ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Ngược lại, các ông chủ ngân hàng nội thì bám vào giá trị các tài sản vô hình và các quyền lợi khi nắm cổ phần chi phối ngân hàng, nên khó khăn khi thỏa thuận về giá. |
Trong điều kiện nguồn lực trong nước hạn chế, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng là rất cần thiết. Riêng đối với các ngân hàng yếu kém, việc thu hút vốn ngoại khó khăn hơn do tình hình tài chính - hoạt động đang có vấn đề, ngoài ra cũng gặp nhiều rào cản từ triển vọng xử lý nợ xấu và thỏa thuận về giá. Mặc dù vậy, các ngân hàng yếu kém vẫn có những điểm hấp dẫn riêng và nếu Chính phủ làm tốt vai trò cầm trịch, các ông chủ ngân hàng nội chịu nhún nhường thì việc bán vốn này vẫn có thể thành công.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/