|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đừng để Nhà nước thành con nợ khi đầu tư PPP

06:48 | 25/03/2020
Chia sẻ
Các đại biểu băn khoăn về cơ chế kiểm tra năng lực cũng như việc khi nào thì Nhà nước chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.

Chiều 24-3, tiếp tục phiên họp 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Các đại biểu bàn thảo xung quanh lĩnh vực được đầu tư, việc chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp (DN) cũng như cách nào kiểm soát được năng lực DN mà Nhà nước sẽ hợp tác...

Ít hơn hay sáu lĩnh vực được đầu tư theo PPP

Dự thảo quy định sáu lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP gồm: Giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; trụ sở cơ quan nhà nước; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin. Trường hợp phát sinh dự án ngoài những lĩnh vực nêu trên thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định với điều kiện cụ thể.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhận xét lĩnh vực đầu tư đã thu gọn so với tờ trình của Chính phủ nhưng vẫn còn rộng. “Nếu làm rộng thế này thì e rằng chúng ta sẽ đi theo hướng ngân sách tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động của tư nhân” - ông Hiển nói và cho rằng lĩnh vực đầu tư trụ sở cơ quan nhà nước được đưa vào để thực hiện theo hình thức đầu tư PPP là rộng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn không rõ căn cứ nào để lựa chọn sáu lĩnh vực trong dự thảo. “Tôi đồng tình với Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển là các lĩnh vực đầu tư quá rộng. 

Điều quan trọng là căn cứ nào để lựa chọn. Thêm nữa lại có ngoại lệ, giao Chính phủ quyết định trong đó có điều kiện là “khả thi hơn đầu tư công”. Căn cứ nào để nói là nửa công nửa tư thì khả thi hơn?” - bà Nga nói.

Phát biểu sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng có nhiều vấn đề của dự thảo luật cần được rà soát, xem xét lại. Theo bà, thời gian qua, chúng ta đã thu hút nhiều DN tham gia các dự án BOT nhưng sau do quản lý yếu kém dẫn đến nhiều vướng mắc.

“Ban hành luật này có thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án đối tác công tư hay không, đó mới là vấn đề. Nhưng nếu tôi là DN, đọc dự thảo luật này, tôi chưa bỏ tiền ra đâu” - bà Ngân nói.

Đừng để Nhà nước thành con nợ khi đầu tư PPP - Ảnh 1.

Các đại biểu tranh luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Ảnh: HOÀNG HẢI

Cần làm rõ việc chia sẻ rủi ro với DN

Vấn đề khác được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến liên quan đến quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các DN tham gia dự án PPP.

Ông Phùng Quốc Hiển cho hay ông đồng tình là phải chia sẻ rủi ro với DN. Tuy nhiên, phải xác định rõ rủi ro tới mức độ nào thì Nhà nước mới cần can thiệp, hỗ trợ chứ không thể hỗ trợ khi DN giảm doanh thu như dự thảo.

“Tôi không đồng ý với việc chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu” - ông nói và cho rằng không cẩn thận thì Nhà nước thành con nợ, nhất là khi không xác định chặt chẽ giá ban đầu. “Rộng tay một chút thì sẽ rất khó khăn cho ngân sách nhà nước” - ông Hiển cảnh báo. Ông cho rằng Nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro khi DN lỗ, mất vốn. còn giảm doanh thu là rủi ro khi đầu tư, DN phải chấp nhận, không thể đòi hỏi Nhà nước chia sẻ.

Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng Nhà nước không nên “bao sân” quá nhiều. “Anh đầu tư anh phải tính toán. Nhà nước có trách nhiệm nhưng chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm. Những chủ đầu tư lớn, dài hạn thì thường họ cũng tính toán rồi” - ông Hải nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng DN khi tham gia đầu tư bị giảm doanh thu lại được Nhà nước chia sẻ rủi ro thì không ổn. Bà cũng đề nghị xác định rõ những căn cứ hỗ trợ của Nhà nước trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, công trình tạm khi triển khai các dự án.

Kiểm toán tới đâu với dự án PPP?

Liên quan đến hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay một số đại biểu QH thống nhất với dự thảo luật đã trình QH tại kỳ họp thứ 8 về việc Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP. 

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân.

Cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế dự kiến tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động Kiểm toán Nhà nước thực hiện ở hai giai đoạn.

Cụ thể, trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật kiểm toán nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. 

Sau khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo pháp luật kiểm toán nhà nước đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP.

Không đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng trước khi ký kết hợp đồng thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm định. “Nếu quy định như thế này sẽ gây khó cho kiểm toán” - ông Hải nói.

Ông Phùng Quốc Hiển khẳng định việc kiểm toán là cần thiết nhưng kiểm toán ở thời điểm nào, giai đoạn nào thì cần cân nhắc và không kiểm toán trước khi ký hợp đồng.

Các hình thức đầu tư PPP phổ biến

Mô hình PPP (Public - Private Partner) là việc nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân.

Hiện thế giới có năm hình thức phổ biến là mô hình nhượng quyền khai thác (franchise); mô hình thiết kế - xây dựng - tài trợ - vận hành DBFO (Design - Build - Finance - Operate); mô hình xây dựng - vận hành - chuyển giao BOT (Build - Operate - Transfer); mô hình BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành); mô hình xây dựng - sở hữu - vận hành BOO (Build - Own - Operate).


Đức Minh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.