|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đức dùng 8,5 tỉ USD và 13 năm để xây một sân bay bỏ hoang

10:29 | 14/07/2019
Chia sẻ
Khởi công năm 2006 và dự kiến khánh thành năm 2012, đến nay năm 2019 sân bay Berlin Brandenburg vẫn chưa thể mở cửa đón khách. Vốn đầu tư đã đội lên gấp 3,5 lần mức ban đầu và đang có nhiều lo ngại cho dù đi vào hoạt động, sân bay này cũng không mang lại hiệu quả kinh tế.

Một thành phố, ba sân bay

Sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc và Chiến tranh Lạnh bắt đầu, thủ đô Berlin của Đức được chia làm 4 phân khu. Khu phía đông do Liên Xô quản lí; ba khu phía tây thuộc về Mỹ, Anh và Pháp. 

Do quan hệ giữa Liên Xô và các nước Phương Tây không lấy gì làm hòa thuận nên cả hai bên đều tự xây sân bay trên phần đất do mình quản lí để không phải dùng chung của nhau.

Liên Xô xây sân bay Schönefeld ở Đông Berlin và các nước Phương Tây xây hai sân bay Tempelhof và Tegel ở Tây Berlin. Đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Berlin không còn bị chia cắt và bỗng nhiên trở thành thành phố có tới ba sân bay. 

Nhận thấy số sân bay như vậy là quá nhiều và không hiệu quả, nước Đức quyết định đóng cửa sân bay Tempelhof và xây dựng một xây bay mới với tên gọi Berlin Brandenburg cạnh sân bay Schönefeld để có thể tận dụng đường băng của sân bay này.

Theo kế hoạch, hai sân bay cũ là Tegel và Schönefeld vẫn sẽ hoạt động bình thường. Tới khi sân bay mới Brandenburg xây xong, cả hai sân bay kia cũng sẽ đóng cửa giống như Tempelhof và Berlin sẽ chỉ sử dụng một sân bay lớn, hiện đại duy nhất.

Sẵn sàng cho lễ khánh thành

Quá trình xây dựng sân bay Brandenburg bắt đầu vào ngày 5/9/2006 với tổng vốn đầu tư ban đầu ước tính khoảng 2 tỉ euro.

Hoạt động thi công diễn ra cơ bản đúng tiến độ. Đến năm 2011, sân bay đã thành hình và các đợt thử nghiệm được tiến hành. Hơn 10.000 tình nguyện viên đã vào vai hành khách để kí gửi hành lí, đi qua cửa kiểm tra an ninh, lên một tàu bay giả và rồi quay lại nhận hành lí trên băng truyền.

berlin

Băng truyềni hành lí tại sân bay Berlin Brandenburg hoang vắng. Ảnh: spiegel.de.

Tưởng chừng như vậy là đã xong, các ki ốt bán lẻ ở sân bay cũng đã được các công ty đặt thuê. Dự kiến ngày 2/6/2012, các chuyến bay cuối cùng sẽ hạ cánh xuống các sân bay cũ Tegel và Schönefeld rồi tất cả nhân lực, trang thiết bị sẽ chạy xuyên đêm đến sân bay Brandenburg mới hoàn thành.

Thành phố đã lên kế hoạch chu đáo: Các tuyến đường cao tốc sẽ được chặn để ưu tiên cho việc di dời, các đài truyền hình được mời đến để tường thuật trực tiếp, các hãng hàng không đã bán vé khởi hành tại sân bay mới từ trước đó hàng tháng, …

Hãng bay Lufthansa còn định dùng chiếc máy bay thương mại lớn nhất thế giới A380 mà hãng vừa nhận về để thực hiện chuyến hạ cánh đầu tiên xuống Brandenburg. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã lên kế hoạch tới dự lễ khai trương.

Nhưng rồi vào một trong những ngày hoàn thiện cuối cùng, vấn đề xuất hiện.

"Delay" 10 lần vì hệ thống báo cháy có khả năng gây cháy

Một đoàn thanh tra đến từ thành phố Munich đã kiểm tra hệ thống cảnh báo cháy của Brandenburg bằng cách tạo khói ở một số khu vực tại sân bay. Một vài chuông báo cháy hoạt động, đa phần lại không. Một số chuông khác rú lên ầm ĩ mặc dù được đặt ở khu vực không có khói hay cháy.

Sau khi tìm hiểu kĩ, đoàn thanh tra này phát hiện ra rằng chính hệ thống báo cháy phức tạp với đống dây điện chằng chịt của sân bay Brandenburg lại tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.

berlin

Hệ thống báo cháy và hút khói của sân bay Berlin Brandenburg tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: faz.net.

Chưa kể, hệ thống ống thông khí với nhiệm vụ hút khói cũng không hoạt động và dễ phát nổ khi xảy ra cháy thật. (Về sau người ta phát hiện ra rằng người lập kế hoạch cho hệ thống hút khói này thậm chí còn không có bằng kĩ sư).

Đây là những thiếu sót về an toàn hết sức nghiêm trọng và sân bay mới chắc chắn không thể được mở cửa cho đến khi các lỗi này được sửa xong. Người Đức vẫn còn nhớ rõ vụ cháy kinh hoàng tại sân bay Düsseldorf năm 1996, làm 17 người thiệt mạng

Các nhà quản lí dự án rất muốn sân bay được khánh thành đúng tiến độ và do vậy đã đề xuất thuê 700 lao động phổ thông đứng rải rác khắp sân bay để làm nhiệm vụ cảnh báo cháy tạm thời trong khi chờ sửa chữa hệ thống báo cháy tự động.

Tất nhiên cơ quan thanh tra không đồng ý với đề xuất này và 26 ngày trước ngày khánh thành dự kiến đầu tiên, thông báo "delay" được đưa ra.

Tháng 1/2013, lễ khánh thành sân bay Brandenburg bị thông báo hoãn lần thứ 4 và sẽ không thể diễn ra vào tháng 10 cùng năm như dự kiến. Chi phí đầu tư đến thời điểm này đã lên tới 4,3 tỉ euro (5,7 tỉ USD), đội vốn gấp hơn hai lần ước tính ban đầu. Sau đó dự án tiếp tục bị trì hoãn nhiều lần do chủ đầu tư không thể hoàn thiện được hệ thống báo cháy.

Thêm vào đó, sân bay này còn bị phát hiện có nhiều vấn đề khác như không có đủ quầy làm thủ tục cho 27 triệu hành khách mỗi năm như dự kiến, hơn 4.000 cánh cửa bị đánh số sai và từng có lúc các công nhân xây dựng không được phép vào bên trong tòa nhà do lo ngại phần mái có thể sập xuống.

Theo thông báo gần đây nhất vào ngày 15/12/2017, lễ khánh thành sân bay Brandenburg dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2020. Nhưng sau 10 lần trì hoãn, không có gì đảm bảo lần này sẽ diễn ra đúng kế hoạch. Theo hãng tin RT, chi phí cho sân bay này hiện đã lên tới 7 tỉ euro (8,5 tỉ USD).

berlin

Sân bay Berlin Brandenburg đang bị bỏ hoang. Ảnh: Getty Image.

Thiệt hại khổng lồ và tương lai u ám dù đi vào hoạt động

Việc sân bay không thể đi vào khai thác gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Ngoài chuyện đội vốn xây dựng còn vấn đề để mất nguồn thu vận hành, chi phí duy trì hai sân bay cũ kĩ hoạt động lâu hơn dự kiến, bồi thường các hãng bay, hãng bán lẻ vì chậm tiến độ, bảo trì các trang thiết bị khi chưa đi vào hoạt động, ….

Tháng 3/2018, sân bay Brandenburg phải thay mới 750 màn hình hiển thị đã hết thời hạn sử dụng do hoạt động liên tục trong 6 năm trì hoãn từ ngày dự kiến khai trương đầu tiên năm 2012, tiêu tốn khoảng 500.000 USD.

Giả sử sân bay này được hoàn thành vào tháng 10/2020 như dự kiến mới đây nhất, nó cũng sẽ khó có thể mang lại hiệu quả như kế hoạch ban đầu.

Tất cả các dự trù tài chính được thực hiện với giả định Brandenburg sẽ trở thành một sân bay đầu mối lớn của cả châu Âu, tức là sẽ có nhiều hãng hàng không coi nơi đây là điểm trung chuyển quan trọng trong mạng lưới bay của mình. Khi đó, số lượng hành khách qua đây sẽ lớn, doanh thu từ bán hàng và các loại phí sẽ cao, vốn đầu tư sớm được thu hồi.

Tuy nhiên trong thực tế Air Berlin là hãng hàng không duy nhất chọn thành phố Berlin làm trạm chung chuyển chính và vào cuối năm 2017, Air Berlin mất khả năng thanh toán rồi ngừng hoạt động.

Khi không có hãng hàng không nào chọn làm trạm chung chuyển chính, một sân bay sẽ rất vắng vẻ.

Nhiều người, trong đó có một lãnh đạo của hãng hàng không Lufthansa còn nói sân bay này sẽ bị phá đi và xây lại hoàn toàn. Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng, sân bay hiện đại 8,5 tỉ USD của Berlin vẫn đứng im lìm và hoang vắng.

Song Ngọc