Đưa vàng trong dân vào kinh doanh
Huy động vàng trong dân vẫn đang là thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH |
Chủ trương này được Chính phủ đưa vào Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 vừa được ban hành. Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ và vàng. Hoàn thiện, trình Thủ tướng đề án chống đô la (USD) hóa và vàng hóa, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của VN. Nghiên cứu lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng, ngoại tệ.
Hàng chục tỉ USD “chôn” trong vàng
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho rằng có 2 vấn đề quan trọng được đặt ra trong nghị quyết của Chính phủ gồm chống “đô” hóa, vàng hóa và huy động vàng, ngoại tệ trong dân. Ở nhiệm vụ thứ nhất, bước đi của NHNN đã có kết quả tích cực. Trước năm 2012 thị trường vàng rơi vào hỗn loạn, giá vàng nhảy múa lạc nhịp thế giới, đầu cơ thao túng, sàn vàng hoạt động khiến cả nền kinh tế chao đảo, tỷ giá căng thẳng, thị trường ngoại hối lúc nào cũng “nóng” hầm hập. Đến nay, với Nghị định 24 ra đời cùng giải pháp thực thi quyết liệt, thị trường đã đi vào trật tự, quy củ. Tuy nhiên, bài toán thứ hai là huy động vàng trong dân để đưa số vốn này vào hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa có động thái cụ thể nào.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN (VGTA), cho biết đây không phải lần đầu tiên Chính phủ muốn tận dụng nguồn lực vàng trong dân. Tại một số nghị quyết trước, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành cùng nghiên cứu. Còn bản thân VGTA vào tháng 5.2016 đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng. Trong kiến nghị VGTA nêu rõ nhiều năm qua VN chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn vàng (tương đương khoảng 18 tỉ USD), nếu tận dụng được nguồn lực này, "bơm" vào nền kinh tế chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả vô cùng lớn. Tuy nhiên, bài học xương máu từ hệ quả khủng khiếp trước kia theo ông Trúc có thể là nguyên nhân khiến NHNN đang tỏ ra rất thận trọng. “Tôi nghĩ NHNN hiểu lợi ích của chủ trương này nhưng đứng trước sự an toàn của hệ thống, quyền lợi của người dân nên chắc họ cần thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng nói vậy không thể không làm. Theo tôi nếu NHNN đủ điều kiện, tiềm lực thì nên sớm triển khai, còn không Chính phủ nên chủ trì, đứng ra thành lập tổ công tác điều phối các bộ, ngành cùng tham gia vào đề án. Chúng ta huy động được thì vô cùng tốt, tất nhiên phải đảm bảo được sự an toàn cho người dân, hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế”, ông Trúc nói.
Ủng hộ chủ trương này, Chủ tịch VGTA Nguyễn Thành Long đánh giá đây là tín hiệu cho thấy Chính phủ đã nhìn thấy nguồn lực vàng thực sự trong dân. “Tất nhiên có nhiều ý kiến chuyên gia không ủng hộ cho việc huy động vàng trong dân nhưng đây là nguồn vốn lớn cần được huy động để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tâm lý người dân xem vàng là tài sản trú ẩn, vàng là tài sản nên các giải pháp đưa ra cần dựa trên ý thức tự nguyện của người dân, để cho người dân thấy rằng gửi vàng cho nhà nước có lợi hơn để ở nhà.
Tuy nhiên việc huy động 500 tấn vàng cần có lộ trình huy động từng giai đoạn tránh dẫn đến lạm phát có thể xảy ra”.
Đảm bảo an toàn cho dân và ngân hàng
Tiếp tục chia sẻ quan điểm nên triển khai đề án huy động vàng, ông Trần Thanh Hải đề xuất, trong đề án NHNN có thể xem xét phát hành chứng chỉ
để huy động vàng trong dân. Chứng chỉ này hiểu nôm na như việc nhà nước đang tìm cách huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu bằng tiền đồng cho các nhà đầu tư trong nước hoặc bằng ngoại tệ ở thị trường nước ngoài cho các nhà đầu tư quốc tế như lâu nay vẫn làm. Hay cũng có thể nghiên cứu việc thành lập sàn vàng quốc gia, nơi mà người dân có thể giao dịch theo thị trường và được sự bảo vệ của nhà nước.
Tuy nhiên, cũng không ít chuyên gia cho rằng ở thời điểm này lập sàn vàng hay huy động bằng chứng chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro. TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), cho rằng chưa nên huy động vàng bởi vàng chỉ là một loại tài sản để dành, có ý nghĩa trong trường hợp dòng tiền tìm nơi trú ẩn, phòng ngừa rủi ro khi mọi cơ hội đầu tư khác khép lại, thay vì kênh đầu tư có tính chất phát triển. Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, người dân VN đang nắm giữ 500 tấn vàng chỉ là số liệu mơ hồ, bởi chưa từng có một báo cáo thống kê chi tiết và đáng tin cậy từ một tổ chức nghiên cứu độc lập hay cơ quan quản lý nhà nước.
Giả định số liệu vàng 500 tấn kia là có thật và NHNN đưa ra các phương án để huy động thì ông Nghĩa cho rằng nền kinh tế vẫn có thể rơi vào tình trạng chảy máu, thất thoát ngoại tệ vì khi coi vàng là kênh đầu tư quan trọng, cho phép vận hành trong mọi ngõ ngách kinh doanh thì sẽ phải đánh đổi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng. Trong khi đó, ngoại tệ, xét về khả năng thanh toán, luân chuyển tiền tệ, phương tiện đầu tư tích cực thì còn có ý nghĩa hơn vàng rất nhiều. Chưa nói, ngoại tệ hỗ trợ xuất nhập khẩu, tăng dự trữ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế với bên ngoài. Vẫn theo chuyên gia này, ở VN, chưa thể tổ chức được thị trường vàng chính thống và minh bạch; Cũng chưa có một cơ quan quản lý nào đó được tổ chức một cách chặt chẽ, đủ tầm để nắm rõ dòng luân chuyển ra vào biên giới của vàng. Do đó nếu không cẩn trọng sẽ có thể vỡ trận thị trường vàng, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.