|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đua mở chuỗi bán lẻ xăng dầu

11:48 | 17/12/2018
Chia sẻ
Doanh nghiệp ngoại xuất hiện, các doanh nghiệp xăng dầu đang tung tiền lôi kéo đại lý, mở thêm điểm bán lẻ xăng dầu.
dua mo chuoi ban le xang dau
Tại cửa hàng bán xăng dầu của một nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: HỒNG VÂN.

"Đại gia" xăng dầu của Nhật Bản - Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 (Idemitsu Q8) chính thức mở điểm bán lẻ thứ ba tại thị trường miền Bắc chỉ sau gần một năm đi vào hoạt động, đều nằm ở những vị trí đắc địa, gần các khu công nghiệp, quốc lộ lớn.

Tung tiền mở cây xăng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Honjo - tổng giám đốc Công ty Idemitsu Q8 - cho biết trong kế hoạch IQ8 đặt ra mục tiêu lớn hơn là mở năm trạm xăng sau một năm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do chỉ mở được ba trạm xăng nên kế hoạch đến năm 2020, đại gia xăng dầu có 100% vốn nước ngoài này dự kiến mở thêm 10 trạm, tập trung ở miền Bắc, trọng tâm là đặt tại các khu công nghiệp, quốc lộ.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Năm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết hiện hệ thống của doanh nghiệp (DN) này có 2.352 cửa hàng trực thuộc và hơn 3.000 cửa hàng nhượng quyền.

Chiếm tới 58% lượng tiêu thụ từ các kênh bán lẻ, nhưng mỗi năm "ông lớn" chiếm 49% thị phần xăng dầu này vẫn đặt ra mục tiêu mở thêm trên 100 điểm bán. Năm 2018, hội đồng quản trị Petrolimex ra nghị quyết riêng, dành nguồn vốn cố định lên tới 1.200 tỉ đồng để thúc đẩy việc phát triển cửa hàng xăng dầu, bên cạnh nguồn đầu tư cố định từ các đơn vị.

"Chúng tôi sẽ tập trung vào trung tâm và thành phố lớn, là chỗ khó phát triển cửa hàng do vấn đề đất đai. Bên cạnh đó là khu vực miền núi" - ông Năm nói.

Trong khi đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) công bố kế hoạch đầu tư lên đến 7.000 tỉ đồng để mở rộng hoạt động bán lẻ tại gần 1.000 cửa hàng trong 5 năm tới. Ông Cao Hoài Dương, tổng giám đốc PVOil, đặt ra mục tiêu sẽ chiếm 35% thị phần bán lẻ xăng dầu, so với con số gần 500 cửa hàng hiện DN đang sở hữu.

Dự kiến mỗi năm PVOil sẽ đầu tư mới 90 cửa hàng và tiến hành các chiến dịch mua bán, sáp nhập để sở hữu 120 cửa hàng. Theo đó, PVOil sẽ áp dụng chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị", tức là không đầu tư vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, mà tập trung vào các vùng nông thôn, thị trấn, khu công nghiệp hay các khu dân cư mới.

Nhiều DN có quy mô nhỏ cũng đặt ra mục tiêu mở rộng chuỗi phân phối để gia tăng thị phần. Ông Nguyễn Văn Tiu, giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực 1, cho biết hiện có 15 trạm xăng đặt tại trung tâm Hà Nội, mục tiêu đặt ra mỗi năm mở thêm 4-5 trạm.

"Giành giật"

Theo một chuyên gia từng tham gia điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương, hiện cơ bản giá xăng dầu của các đại lý, DN đều như nhau. Người tiêu dùng cũng không mấy ai di chuyển cả cây số để chọn đại lý bán xăng dầu rẻ hơn mấy trăm đồng/lít, nên cơ bản các hãng tập trung "giành giật" đại lý bán bằng chiết khấu, các chính sách ưu đãi, thay vì tập trung giảm giá cho người tiêu dùng.

Cuộc đua mở chuỗi trạm xăng đang "khốc liệt" hơn khi không chỉ có cạnh tranh mà còn có tình trạng "giành giật" điểm bán, thậm chí xâm phạm nhãn hiệu. Ông Cao Hoài Dương cho biết với PVOil, chỉ những cửa hàng nằm trong hệ thống được kiểm soát chặt chẽ, còn với 3.000 cửa hàng làm đại lý (nhượng quyền) thì rất khó để quản. Về nguyên tắc, khi đăng ký làm đại lý của một DN đầu mối xăng dầu, đại lý sẽ phải nhập xăng dầu từ đơn vị này. Tuy nhiên, tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó" lại diễn ra khá phổ biến.

"Thực tế một cửa hàng treo biển của PVOil nhưng lại mua hàng của nhiều nơi. Chúng tôi là DN nên không có quyền cấm, dẫn tới thực tế là có thể đơn vị đại lý chỉ mua 50% của PVOil, còn lại mua của đơn vị khác. Điều này làm ảnh hưởng, rủi ro rất lớn cho thương hiệu nếu đại lý bán hàng trôi nổi vì khách hàng chỉ biết đó là đại lý của PVOil. Không phải lỗi của chúng tôi nhưng lại phải chịu trách nhiệm" - ông Dương cho hay.

Chiếm gần 50% thị phần xăng dầu, Petrolimex không những chịu áp lực bị "giành giật" cửa hàng nhượng quyền mà tình trạng vi phạm thương hiệu cũng ngày càng tăng. Đó là việc hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở nhiều tỉnh thành cố tình sử dụng nhãn hiệu của Petrolimex dù không mua xăng dầu của DN này. Việc xâm phạm diễn ra đến mức báo động, khiến tập đoàn này phải thành lập ban chỉ đạo để tăng cường kiểm tra thực tế, thực hiện các biện pháp bảo vệ thương hiệu.

Chiết khấu có khi tới 2.300 đồng/lít Theo lãnh đạo một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu (đề nghị không nêu tên), để cạnh tranh thu hút đại lý xăng dầu nhằm mở rộng điểm bán, nhiều DN đầu mối đang chạy đua chào mời, tăng chiết khấu, thậm chí có thời điểm mức chiết khấu cao nhất lên tới 2.200-2.300 đồng/lít. Tất cả chi phí này đương nhiên được cộng vào giá bán xăng dầu và người tiêu dùng sẽ chi trả.

Kỳ vọng người dùng sẽ có giá tốt hơn Theo ông Trần Quốc Khánh - thứ trưởng Bộ Công thương, với cam kết khi gia nhập WTO, khi đã cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần của DN xăng dầu như Petrolimex hay PVOil, về nguyên tắc sẽ không được phân biệt đối xử. Có nghĩa sẽ phải đồng ý cho tất cả DN nước ngoài tham gia thị trường, kể cả các quỹ đầu tư. Khi đó, sự cạnh tranh trên thị trường xăng dầu sẽ xảy ra và kỳ vọng người tiêu dùng có mức giá tốt hơn.

Ngọc An

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.