|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Du lịch TP HCM- Bài 1: Phát triển sản phẩm đa dạng, tăng trải nghiệm

07:08 | 07/10/2019
Chia sẻ
Các cơ quan quản lí, doanh nghiệp du lịch đang tìm giải pháp để du lịch TP HCM tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng.
Du lịch TP HCM- Bài 1: Phát triển sản phẩm đa dạng, tăng trải nghiệm - Ảnh 1.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN

Chín tháng năm 2019, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả ấn tượng. Lượng khách quốc tế đến thành phố đạt trên 6,2 triệu lượt, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu từ du lịch của thành phố tăng 4% so cùng kỳ năm 2018.

Song, trước thực tế yêu cầu của du khách ngày càng cao, công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, làm thế nào để du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng là điều các cơ quan quản lý, doanh nghiệp lĩnh vực du lịch trăn trở tìm giải pháp thực hiện hiệu quả.

Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua chùm 3 bài viết với chủ đề: Nâng cao chất lượng điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là điểm đến sôi động, thị trường gửi khách và nhận khách năng động bậc nhất cả nước. Do đó, để ngành Du lịch của thành phố phát triển bền vững, bên cạnh việc tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng nhân lực..., việc đa dạng các sản phẩm du lịch là hết sức quan trọng.

Đa dạng sản phẩm

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, các sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố được xác định là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, triển lãm, sự kiện…), du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, du lịch đường thủy, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị.

Đối với mỗi du khách, một tỉnh, thành phố không chỉ là khái niệm địa lý và hành chính mà còn là một điểm đến thú vị mà họ mong muốn được trải nghiệm, khám phá. 

Điểm đến đó có gì hấp dẫn, khác biệt với điểm đến khác, để hình thành, kết nối thành một hành trình là điều những người làm du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực thực hiện để mang đến cho du khách những cảm nhận thực sự giá trị.

Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát hiện trạng các tuyến đường thủy phục vụ du lịch để xây dựng các tour tuyến du lịch, làm việc với đơn vị truyền thông tư vấn làm clip quảng bá du lịch đường sông trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành tiến hành khảo sát thực tế xã Thạnh An, huyện Cần Giờ để góp ý hình thành các tour tuyến mới đi từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến xã đảo nhằm tạo sự đa dạng, mới mẻ cho sản phẩm du lịch đường thủy của thành phố.

Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, vừa qua, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương tổ chức khai thác du lịch đường sông nội đô kết hợp phục vụ ẩm thực về đêm tại cầu bến số 3 – Khu bến Bạch Đằng, Quận 1 của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.

Cụ thể, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý cho tàu nhà hàng, ca nô du lịch của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn ra - vào cập bến, đón trả khách du lịch tại cầu bến số 3 - Khu bến Bạch Đằng. Hoạt động này sẽ được thực hiện trước mắt trong vòng một năm.

Ngoài ra, tàu nhà hàng sẽ được phép neo đậu cố định các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần tại bến. Trong quá trình tổ chức hoạt động, khai thác, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn bố trí lực lượng phối hợp đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy và đường bộ..

Đối với loại hình du lịch cộng đồng, theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh nội dung về Kế hoạch tổng thể phát triển du lịch cộng đồng kết hợp tình nguyện tại điểm đến xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, gửi các các cơ quan và đơn vị liên quan góp ý sau đó sẽ trình  UBND thành phố xem xét, phê duyệt chủ trương thực hiện; hỗ trợ Công ty Triptoknow hoàn thiện và khai thác tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ - một điểm đến hoang sơ, thanh bình và mộc mạc đang có sức hấp dẫn đối với nhiều du khách, nhất là những du khách ưa thích du lịch trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các quận, huyện triển khai Đề án khuyến khích hỗ trợ người dân làm du lịch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 – 2020 tại các Quận 4, 8, 9, Tân Phú, Phú Nhuận và hỗ trợ các quận, huyện xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện đề án.  Sở tiếp tục triển khai các nội dung trong Kế hoạch phát triển du lịch gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn 2019 – 2020.

Song song đó, Sở Du lịch, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiến hành khảo sát các hộ dân có tiềm năng phát triển các mô hình du lịch sinh thái, nông nghiệp để xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch… gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn.

Tạo điểm nhấn mới

Theo các chuyên gia lĩnh vực du lịch, để phát triển du lịch bền vững,“giữ chân” du khách, việc làm mới các sản phẩm du lịch rất cần thiết. 

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hơn ai hết, khách du lịch sẽ là những người kiểm chứng sản phẩm xem có đúng như những gì người làm du lịch đã quảng bá hay không, do đó điều tiên quyết là phải xây dựng thành công sản phẩm du lịch cho mỗi điểm đến rồi mới nói tới quảng bá.

Tạo nét khác biệt, mới mẻ trong mỗi sản phẩm du lịch đang là một trong những hoạt động được các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch và lữ hành ở Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng thực hiện.

Mới đây, sau một thời gian tạm dừng  hoạt chợ dưới lòng đất để chấn chỉnh việc quản lý và chỉnh trang đô thị, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định cho phép duy trì hoạt động chợ trở lại vì thiết kế của chợ nằm ngầm dưới lòng đất, không ảnh hưởng đến công năng mảng xanh của Công viên 23 tháng 9 nằm trên địa bàn Quận 1.

Khu chợ trong lòng đất duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh có thương hiệu mới là Cental Market đã được khai trương trở lại.

Điểm đến này được kỳ vọng đem đến cho du khách, nhất là du khách quốc tế những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, với các điểm nhấn về không gian văn hóa ẩm thực Á - Âu, khu mua sắm hàng hóa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đa dạng theo tiêu chí bán đúng giá, không nói thách….

Qua đó, góp phần quảng bá, nâng tầm hình ảnh của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Một điểm đến nữa tại Thành phố Hồ Chí Minh đang được doanh nghiệp du lịch nỗ lực đổi mới, hoàn thiện, tạo nhiều dấu ấn cho du khách đến tham quan không chỉ một lần là Bảo tàng tranh 3D Artinus ở Khu đô thị mới Him Lam, phường Tân Hưng, Quận 7.

Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Artinus - chủ đầu tư của bảo tàng, đi vào hoạt động từ giữa tháng 8/2015, Bảo tàng là điểm đến thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Đặc biệt, trong chương trình kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh dành cho học sinh, sinh viên, công nhân và người lao động năm 2019, đây là điểm đến được khá nhiều du khách lựa chọn.

Để tạo thêm điểm nhấn, tăng trải nghiệm cho du khách, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đầu tư phát triển mô hình mới, không phải chỉ là những bức tranh 3D đơn thuần mà thay vào đó là không gian 3D với nhiều sự tương tác của khách tham quan từ đó cho ra những clip sống động và chân thật nhất.

Thanh Trà