Dự kiến tăng 7,4% lương hưu từ ngày 1/1/2022
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 10/11, đại biểu Vương Thị Hương nêu vấn đề người nghỉ hưu trước năm 1995 đã cao tuổi và đang hưởng mức lương hưu quá thấp, nhiều người cao tuổi đang phải chật vật mưu sinh với đồng lương ít ỏi, cuộc sống khó khăn. Đây là nhóm người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh. Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ngoài ra, đại biểu đặt câu hỏi báo chí đưa tin gần đây có 22.000 người nhận nhầm hỗ trợ, Bộ có nắm được không, xử lý thế nào, kết quả ra sao?
Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết vừa qua phải dừng cải cách tiền lương, nhưng trong đề xuất của Chính phủ với Quốc hội vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu, đặc biệt quan tâm đến những người về hưu trước năm 1995 và nhất là những người có lương hưu thấp.
"Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên Chính phủ, trong tháng 12 này sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định vấn đề này. Trước tình hình dịch COVID-19 khiến đời sống khó khăn, Bộ đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1/1/2022. Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỷ đồng. Chúng tôi phấn đấu đến 1/1/2022, người về hưu được hưởng chính sách mới", ông Dung thông tin.
Nói về một tỉnh phát nhầm tiền hỗ trợ cho 22.000 người, Bộ trưởng Dung đề nghị điều chỉnh nội dung này vì không phải là phát nhầm và nhận nhầm.
Ông nói đã trực tiếp điện cho Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo bằng văn bản, đồng thời cử một Thứ trưởng cùng các đơn vị vào kiểm tra thực tế, gặp người phát, người nhận nhầm.
Thực tế chỉ có 1.490 người nhận nhầm. Con số 22.000 người là chính sách của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho lao động khó khăn ở các khu nhà trọ. Sau đó, tỉnh thấy con số quá lớn, nên đã rà soát lại.
"Như vậy số người nhận nhầm chỉ 1.490 người, với số tiền khoảng 1,6 tỷ cũng đã hoàn trả lại", Bộ trưởng Dung khẳng định.