Dư địa tăng trưởng cho doanh nghiệp công nghệ top đầu
Doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là những công ty có tiềm lực tài chính và nhân lực dồi dào được cho là có nhiều dư địa tăng trưởng trong trung và dài hạn, khi nhu cầu về công nghệ thông tin trên thế giới vẫn cao và chuyển đổi số trong nước diễn ra mạnh mẽ ở cả khối doanh nghiệp và khối hành chính công.
Statista - công ty của Đức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng ước tính, tổng mức chi cho công nghệ thông tin trong năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 1.280 tỷ USD và 1.392 tỷ USD, tăng 7,9% và 8,8% nhờ nhu cầu tăng lên từ phần mềm dạng dịch vụ (Software as a service – SAAS) và giải pháp đám mây (Cloud solution).
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam, tăng 56,25% so với năm 2021 đạt hơn 64.000 doanh nghiệp.
Tăng trưởng mảng xuất khẩu phần mềm các doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì tích cực cùng số hợp đồng ký mới gia tăng. Đơn cử như trong trường hợp của FPT, tính đến hết tháng 8/2022, mảng xuất khẩu phần mềm tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, với mức doanh thu 11.731 tỷ đồng, tương ứng tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái; đóng góp bởi thị trường Mỹ tăng 42% và châu Á – Thái Bình Dương (APAC) tăng 61%.
Thị trường Nhật Bản có sự phục hồi đáng kể với mức tăng trưởng doanh thu theo đồng Yên đạt 18,7%. FPT cho biết, khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài tăng 42%, lên mức 15.455 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong nước diễn ra mạnh mẽ ở cả khối doanh nghiệp và khối hành chính công. Đối với khối doanh nghiệp, vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã chứng khoán: BIDV) cùng Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcombank) đều có các dự án chuyển đổi số hỗ trợ hoạt động của ngân hàng với Tập đoàn Công nghệ CMC, trong khi Tập đoàn FPT cũng đã có ký kết hợp tác chiến lược chuyển đổi số với Ngân hàng TMCP Tiên Phong, CTCP Tập đoàn Tân Long và CTCP Tập đoàn Flamingo.
Ở khối hành chính công, các tỉnh Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông, Hậu Giang... đã có ký kết hợp tác chiến lược chuyển đổi số toàn diện với Tập đoàn FPT và Tập đoàn Công nghệ CMC. Mảng viễn thông dự kiến tăng trưởng ổn định với động lực từ tăng thuê bao Internet băng thông rộng khoảng 8-10% và tăng trưởng của mảng truyền hình trên mạng Internet chỉ cung cấp gói dịch vụ theo yêu cầu (OTT TV) khi nhu cầu giải trí thông qua OTT TV đang dần phổ biến tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc phát triển Internet băng thông rộng di động bao gồm 4G-5G sẽ là bước đi đột phá cho các doanh nghiệp viễn thông. CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng 2 con số trong năm 2022.
Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, những tập đoàn lớn đang dẫn đầu thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam về tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực dồi dào như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), FPT và CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC sẽ có được nhiều dư địa để tăng trưởng trong trung và dài hạn.
VDSC cho rằng, tiềm năng tăng trưởng tới từ nhu cầu chuyển đổi số trên toàn cầu. Theo dự báo của IDC - hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin toàn cầu, ngành công nghệ thông tin đang trên đà vượt mức 5.300 tỷ USD vào năm 2022, mức tăng trưởng trung bình hàng năm từ 5 - 6%; trong đó, Mỹ là thị trường công nghệ lớn nhất thế giới, chiếm 33% tổng chi tiêu, tương đương khoảng 1.800 tỷ USD cho năm 2022.
Chi tiêu dành cho chuyển đổi số - một trụ cột quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin được dự báo sẽ tăng trưởng 17,6% trong năm 2022, đạt 1.800 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng bền vững ở mức 16,6% CAGR (Tốc độ tăng trưởng hằng năm kép) trong ba năm tới.
VDSC đánh giá ngành công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay đang sở hữu những lợi thế cạnh tranh về con người khi tham gia thị trường toàn cầu. Cụ thể là nguồn nhân lực Việt Nam trẻ và có khả năng thích nghi nhanh với những công nghệ mới.
Thống kê của Ngân Hàng HSBC Việt Nam cho thấy, độ tuổi từ 20 - 29 chiếm tỷ trọng lên tới 51% tổng số lập trình viên tại Việt Nam. Đồng thời, chi phí phát triển phần mềm của lập trình viên tại Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác, chỉ khoảng 18 USD/giờ, bằng 64% tại các quốc gia châu Á và 10% tại Mỹ.
Do đó, khách hàng tới từ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đã chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho sự hợp tác phát triển công nghệ thông tin.
Đơn cử mới đây, Công ty TNHH Công nghệ và Giải pháp CMC Sài Gòn (CMC TSSG) chính thức được ForeScout Technologies chứng nhận là “Đối tác Vàng” và “Đối tác triển khai dịch vụ” duy nhất tại Việt Nam về việc cung cấp các giải pháp bảo mật của hãng.
Công ty an ninh mạng Forescout Technologies của Mỹ là nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp bảo mật dành cho doanh nghiệp uy tín trên thế giới. Công ty tiên phong trong lĩnh vực theo dõi, giám sát, quản lý tất cả các truy cập vào hệ thống mạng theo thời gian thực và hỗ trợ tăng cường khả năng bảo mật một cách tự động.
Ở chiều ngược lại, hiện nay, hai tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam là Tập đoàn FPT và Tập đoàn CMC đã và đang khai phá những thị trường đầy tiềm năng trên thế giới. FPT thì khởi đầu tại thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU, APAC với dịch vụ gia công phần mềm và đã dịch chuyển dần sang lĩnh vực chuyển đổi số kết hợp tư vấn.
Trong khi đó, Tập đoàn CMC đã có những khách hàng tại thị trường Nhật Bản, EU, APAC. CMG dự kiến sẽ phát triển thị trường mới tại Singapore, mở chi nhánh đầu tiên tại Mỹ.
Dựa vào nhu cầu và tốc độ chuyển đổi số Việt Nam, Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô và là công ty liên kết của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings dự báo quy mô thị trường công nghệ thông tin Việt Nam (bao gồm các hạng mục về thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm) sẽ đạt 208 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và 370 nghìn tỷ đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 15%.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, VDSC lưu ý những biến động từ kinh tế vĩ mô thế giới có thể tác động tiêu cực tới triển vọng kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ Việt Nam. VDSC lo ngại yếu tố lạm phát sẽ ảnh hưởng tới mức chi tiêu dành cho công nghệ thông tin tại thị trường Mỹ. Dù vậy, VDSC cho rằng đồng USD mạnh hơn có thể bù đắp lại ảnh hưởng này.