|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án y tế TP.HCM hấp dẫn nhà đầu tư

11:18 | 29/04/2019
Chia sẻ
Nhà đầu tư sẽ rót mạnh vốn vào các dự án y tế tại TP.HCM khi các rào cản sớm được nhận diện và có những giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Dự án y tế TP.HCM hấp dẫn nhà đầu tư - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư đang muốn tham gia các dự án y tế theo hình thức PPP, song chính sách đầu tư theo hình thức PPP cũng như cơ chế hoạt động chưa rõ ràng, khiến nhiều nhà đầu tư chưa yên tâm rót vốn.

Hấp lực lớn

Ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận, lĩnh vực y tế đang có sự phát triển mạnh cả về bề rộng và chiều sâu. Đó cũng là lý do mà thời gian qua, Sở đã tiếp nhiều đoàn khách, các nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu, đặt vấn đề kết nối đầu tư vào lĩnh vực này.

Cụ thể hơn, trong lĩnh vực dược phẩm, trong khoảng 4 năm trở lại đây đã có nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập có giá trị lớn được công bố. Mới nhất là việc Tập đoàn Taisho (Nhật Bản) có kế hoạch chi khoảng 3.400 tỷ đồng để mua thêm 21,7% cổ phần của Dược Hậu Giang, đưa tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 56,69%.

Tính riêng tại TP.HCM, hiện có 28 nhà máy sản xuất thuốc, 1.200 công ty kinh doanh dược cùng 8.200 nhà thuốc với doanh số mua bán thuốc chiếm gần 2/3 tổng doanh số của cả nước, là đầu mối phân phối thuốc của cả nước.

Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, TP.HCM có mạng lưới y tế cơ sở dày đặc, với 115 bệnh viện, 12 trung tâm chuyên ngành, 24 trung tâm y tế quận/huyện, 319 trạm y tế và 5.302 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Cũng theo đại diện ngành y tế, TP.HCM hiện có rất nhiều dự án y tế cần được đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, trong khi ngân sách không thể đáp ứng. Do đó, Thành phố chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết hợp tác để thu hút đầu tư vào ngành này.

Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Dilshaad Ali, cố vấn chuyên môn của DG Medical nhận định, nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển nhanh và với thu nhập người dân tăng cao, nhu cầu đối với các dịch vụ y tế cao cấp của các gia đình sẽ ngày càng tăng. Cùng với đó, thời gian qua, Việt Nam đã cho phép đầu tư vào hệ thống y tế để phát triển mạnh các chuyên khoa lâm sàng, cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân. Do đó, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu có được lợi nhuận nhờ đầu tư vào hệ thống khám chữa bệnh, trong khi tiềm năng của lĩnh vực này sẽ là hấp lực không thể bỏ qua của các nhà đầu tư khác.

Tháo gỡ nút thắt

Tại một hội nghị về thu hút đầu tư được tổ chức gần đây tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho biết, rất nhiều nhà đầu tư đang muốn tham gia các dự án y tế theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Chẳng hạn, Dự án Đầu tư xây dựng mới khu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức có tổng vốn đầu tư hơn 571 tỷ đồng, được mời gọi đầu tư theo hình thức PPP. Dự án này có chiều cao 17 tầng và 2 tầng hầm, tổng diện tích hơn 16.000 m2, với quy mô 280 giường.

Hay Dự án Khu khám và điều trị dịch vụ Bệnh viện Nhi đồng I được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) đề xuất đầu tư theo hình thức PPP. Theo đó, Dự án có quy mô 50 phòng khám, 150 giường lưu bệnh, 10 giường hồi sức tích cực (ICU), 5 giường hậu phẫu…, với tổng mức đầu tư hơn 721 tỷ đồng.

“Hiện nay, nhu cầu đầu tư vào Thành phố là rất lớn, trong đó, lĩnh vực y tế chiếm tỷ trọng không nhỏ. Với nhu cầu đầu tư lớn, trong khi ngân sách Thành phố ngày càng hạn hẹp, nên việc kêu gọi xã hội hóa và đầu tư theo hình thức PPP là cần thiết”, báo cáo của HFIC nêu rõ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhà quản lý, chính sách đầu tư theo hình thức PPP cũng như cơ chế hoạt động chưa rõ ràng, khiến nhiều nhà đầu tư chưa yên tâm rót vốn.

Đại diện một bệnh viện tại TP.HCM nhìn nhận, mặc dù đã có nghị định về PPP, nhưng vẫn thiếu một hệ thống cơ chế, chính sách toàn diện về đất đai, thuế, nguồn lực, loại hình đầu tư, thủ tục cũng như cơ chế sử dụng vốn ngân sách… Trong khi đó, nguồn nhân lực để thực hiện các dự án PPP trong các đơn vị y tế còn thiếu và chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc đề xuất dự án, đàm phán hợp đồng…

Chia sẻ vấn đề này, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM cho rằng, để thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư vào ngành y tế hoặc sự phối hợp đối tác công - tư, Nhà nước cần mở rộng mức chi trả bảo hiểm y tế, đặc biệt đối với các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám tư nhân, bởi đây là mạng lưới y tế giải quyết rất hiệu quả nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Ở góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Dilshaad Ali mong muốn đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo thuận tiện cho nhà đầu tư.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hồng Sơn

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.