|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án 'treo' tại Thủ đô và nỗi lo lãng phí đất đai

15:10 | 20/03/2021
Chia sẻ
Quy hoạch "treo", dự án "treo" không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân Thủ đô trong vùng giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.

Mới đây, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã quyết định tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thủ đô. 

Điều này cho thấy kết quả thực hiện kết luận giám sát trước đó vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Nội dung này cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý kiên quyết và dứt điểm tình trạng dự án "treo" theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án trên giấy

Câu chuyện quản lý đất đai, xử lý dự án chậm triển khai (gọi tắt là dự án "treo") luôn được lãnh đạo thành phố chỉ đạo sát sao, nhân dân và cử tri Thủ đô quan tâm cũng như HĐND thành phố nhiều lần chất vấn, thành lập các Đoàn giám sát rồi ban hành cả Nghị quyết với những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm, thậm chí cả cảnh báo, nhưng vẫn "đâu vào đấy". 

Thực trạng đáng báo động này cho thấy nguy cơ thất thoát nguồn lực từ đất đai đang hiện hữu, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Không khó để "điểm mặt" hàng loạt dự án "nằm trên giấy"; trong đó, tập trung nhiều ở các quận, huyện như: Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án.

Theo con đường từ xã Tiền Phong đến trung tâm UBND huyện Mê Linh, hai bên đường là những dự án bị bỏ hoang từ chục năm nay. Đất "bờ xôi ruộng mật" trước kia, giờ cỏ mọc um tùm và là địa điểm chăn thả trâu bò của người dân. Hàng loạt dự án từng gây "tiếng vang" với nhiều giao dịch mua bán như: Hà Phong, CEO, Cenco 5, Tiền Phong, Quang Minh, Việt Á và một số dự án khác đến nay vẫn án binh bất động.

Tương tự tại huyện Hoài Đức, Khu đô thị làng Việt cổ và Khu nhà ở lô đất số 3 khu đồng Chùa Bé cũng có chủ trương đầu tư từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn không hoàn thành thủ tục để được giao đất, cho thuê đất, thậm chí còn hợp thức hóa chiếm giữ dự án ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất, gây bức xúc trong nhân dân. 

Hay tại quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, cá biệt có chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng như: Dự án mở rộng vườn ươm Cổ Nhuế, Trung tâm Ngôn ngữ Việt Lào, Khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng, Trường huấn luyện và đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ, Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật, Chợ lâm sản...

Đáng chú ý, nhiều dự án được HĐND thành phố kiến nghị thu hồi từ năm 2012, nhưng tại thời điểm kiểm tra năm 2018 vẫn chưa hoàn thành như Dự án xây dựng trụ sở của Công ty cổ phần xây dựng Giao thông 1 (huyện Đông Anh); dự án xây dựng nhà ở của Công ty Vận tải dịch vụ công cộng (quận Tây Hồ). Đặc biệt, tại huyện Ba Vì với dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô làm chủ đầu tư, cơ quan chức năng còn "quên" hồ sơ không trình UBND thành phố thu hồi?.

Dự án "treo" không chỉ tồn tại ở các khu vực ngoại thành mà ngay cả những quận nội đô, những vị trí đắc địa vẫn còn nhiều dự án được phê duyệt đến hàng chục năm nhưng triển khai rất chậm. Điển hình như: khu đô thị An Dương và dự án Sông Hồng City (quận Tây Hồ); D'San Raffles tại 22 - 24 Hàng Bài (quận Hai Bà Trưng); Trung tâm thương mại Đền Lừ, Bệnh viện đa khoa Quang Trung (quận Hoàng Mai); khu văn phòng và nhà ở số 2 - 4 phố Đội Nhân (quận Ba Đình); "siêu" dự án tổ hợp chung cư Booyoung Vina (quận Hà Đông)...

Nể nang trong xử lý vi phạm

Luật Đất đai năm 2013 quy định, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trên địa bàn Hà Nội đang có hàng trăm dự án "ôm đất" dù đã quá thời hạn triển khai xây dựng tới hàng chục năm vẫn chưa bị thu hồi. Nhiều dự án chậm triển khai tiếp tục được gia hạn không chỉ một lần mà còn nhiều lần. 

Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai diễn ra dưới nhiều hình thức như: lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, cho thuê lại đất, chậm giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính...Vì vậy, con số 383 dự án "treo"; trong đó có gần 200 dự án được điều chỉnh tiến độ vẫn tồn tại nhiều năm ở các văn bản báo cáo và chưa được xử nghiêm.

Theo kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội, trong tổng số hơn 300 dự án chậm triển khai, từ tháng 10/2012 đến 31/3/2018, UBND thành phố Hà Nội mới ban hành 33 quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các chủ đầu tư vi phạm. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang kiến nghị thành phố tiếp tục thu hồi 28 dự án.

Điều dễ thấy là dự án "treo" đếm không xuể, nhưng kết quả thu hồi không phản ánh đúng thực tế nêu trên. Vậy đâu là nguyên nhân của căn bệnh "biết sai mà không sửa được" và vì sao hàng loạt dự án vi phạm Luật Đất đai vẫn chưa thể xử lý dứt điểm?.

Theo đại diện các sở, ngành chức năng của Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án "treo"; trong đó, nguyên nhân khách quan chủ yếu do quy hoạch, nếu điều chỉnh quy hoạch thì dự án cũng phải điều chỉnh theo. Bên cạnh đó, chính sách đất đai thay đổi dẫn đến thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng phức tạp, kéo dài.

Quy định về quản lý đất đai có sự xung đột pháp luật hoặc các văn bản dưới luật còn một số nội dung chưa đầy đủ, rõ ràng, chậm được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ gây khó khăn trong việc thực hiện, nhất là đối với các trường hợp xử lý chuyển tiếp… Đặc biệt, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng hay thị trường bất động sản có giai đoạn "đóng băng", năng lực chủ đầu tư yếu kém cũng là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ kéo dài.

Hàng loạt lý do được đưa ra để biện minh cho thực trạng đáng báo động về dự án "treo". Tại Kết luận số 18/TB-HĐND ngày 16/8/2018, HĐND thành phố Hà Nội đã chỉ rõ nhiều hạn chế, vi phạm về quản lý đất đai và sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã khẳng định các vi phạm này không mới, một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được cảnh báo, kiến nghị xử lý từ nhiều năm trước, nhưng chưa được tập trung giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Có không ít chủ đầu tư cố tình vi phạm Luật Đất đai, thậm chí tái vi phạm khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Việc nể nang trong xử lý các dự án "treo" cũng khiến nhân dân và cử tri bức xúc.

Đề cập đến trách nhiệm của các sở, ngành liên quan khi để dự án "treo", HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, đối với nhóm dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chậm 12 tháng, trách nhiệm chính thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. 

Đối với nhóm dự án chậm 24 tháng trách nhiệm thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, còn trách nhiệm của Sở Quy hoạch và Kiến trúc là chưa kịp thời tham mưu cho thành phố biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng chủ đầu tư lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian triển khai khi đã vi phạm...

Nỗi lo chưa có hồi kết

Dự án "treo" được ví như con đường chưa có lối thoát đối với các cấp, các ngành Hà Nội. Trong khi đó, hàng nghìn người dân sống trong khu vực bị thu hồi đất vẫn hàng ngày bức xúc, đề nghị chính quyền địa phương sớm có câu trả lời về việc các dự án "treo" có tiếp tục thực hiện hay không?. Nếu không triển khai, thành phố khẩn trương giải quyết để những hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà ở ổn định cuộc sống.

Có một thực tế tại Hà Nội là quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi thì eo hẹp, nhưng diện tích đất để hoang hóa lại lên đến hàng triệu mét vuông. Vậy phải làm gì để nguồn lực đất đai không bị lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội và đã đến lúc Hà Nội cần xử lý mạnh tay đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cách đây gần 3 năm, từ những hạn chế được chỉ ra sau giám sát và phiên giải trình, HĐND thành phố Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phát huy hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, đăng tải công khai (định kỳ 6 tháng/lần) trên Cổng Giao tiếp điện tử thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng về danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai.

Đồng thời, UBND thành phố không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích…

Từ những chỉ đạo trên, kỳ giám sát tới đây, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội sẽ đánh giá kỹ những kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết của

HĐND thành phố trong 3 năm qua của các sở, ban, ngành, địa phương với phương châm quyết liệt, chọn đúng, trúng vấn đề giám sát để khẳng định hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của HĐND thành phố.

Xóa dự án "treo", dành cơ hội cho nhà đầu tư có năng lực, ổn định cuộc sống của người dân đang là mục tiêu, quyết tâm của chính quyền Thủ đô, đặc biệt trước hàng loạt dự án trọng điểm phát triển thành phố vệ tinh Hòa Lạc được đăng ký liên tiếp thời gian gần đây. Kêu gọi đầu tư phải đi đôi với đánh giá đúng năng lực và thường xuyên giám sát. Hà Nội "trải thảm" nhưng nhà đầu tư cũng cần "làm hết sức mình" để dự án sớm hiện hữu cùng chung tay phát triển Thủ đô.

Minh Nghĩa

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.