|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi: Nhức nhối chuyện thầu phụ

21:18 | 30/06/2020
Chia sẻ
Hai gói thầu lớn đang đứng trước lình xình kiện tụng giữa ba bên: Thầu chính - thầu phụ - ngân hàng khiến tiến độ của Dự án bị chậm trễ.
Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi: Nhức nhối chuyện thầu phụ - Ảnh 1.

Dự án Xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi giai đoạn 1 sử dụng vốn ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng từ nguồn ngân sách nhà nước. Ảnh: Tiên Giang

Dự án Xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 6.694 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 200 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. 

Hai gói thầu lớn thuộc Dự án đang phát sinh kiện tụng giữa ba bên: thầu chính - thầu phụ - ngân hàng làm ảnh hưởng tới tiến độ. Mọi rắc rối bắt đầu từ câu chuyện thầu phụ.

Rắc rối từ thầu phụ vi phạm hợp đồng

Báo Đấu thầu tiếp nhận Đơn trình báo và đề nghị can thiệp khẩn cấp của Liên danh nhà thầu Lotte - Halla - Hanshin (Hàn Quốc) về hành vi vi phạm pháp luật của Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Tây Ninh (Gọi tắt là MB Tây Ninh).

Liên danh Lotte - Halla - Hanshin là nhà thầu chính thi công Gói thầu CW1 Km02+1014.11-Km26+275.00 thuộc Dự án. 

Liên danh này ký hợp đồng thầu phụ với Công ty CP Xây dựng giao thông Tây Ninh (XDGT Tây Ninh) để thực hiện Gói thầu. 

Trên cơ sở hợp đồng thầu phụ, XDGT Tây Ninh đã đề nghị MB Tây Ninh phát hành bảo lãnh tiền tạm ứng và bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Liên danh Lotte - Halla - Hanshin để đảm bảo nghĩa vụ của thầu phụ. 

MB Tây Ninh đã phát hành hai thư bảo lãnh với tổng giá trị hơn 18,4 tỷ đồng. Từ hai bảo lãnh này, Liên danh Lotte - Halla - Hanshin đã thanh toán cho thầu phụ các số tiền tạm ứng tương ứng và cho phép XDGT Tây Ninh thực hiện hợp đồng. 

Tuy nhiên, nhà thầu phụ này liên tục vi phạm tiến độ thực hiện hợp đồng và các cam kết. Bất đồng phát sinh, và hành trình “đòi” tiền từ MB Tây Ninh của Liên danh Lotte - Halla - Hanshin bắt đầu từ đây.

Câu chuyện với diễn biến và tính chất tương đồng với vụ việc nêu trên cũng diễn ra song song giữa Liên danh nhà thầu Kumho - Huyndai (Hàn Quốc) với Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh An Phú (Quận 2, TP.HCM). 

Mấu chốt của những tranh cãi này liên quan trực tiếp đến hợp đồng thầu phụ giữa Liên danh Kumho - Huyndai với Công ty CP Đầu tư Pacific. 

Hợp đồng thầu phụ số LTRS/SUB/009 ngày 11/10/2016 và các phụ lục đính kèm là giao kết để Pacific thực hiện thi công Gói thầu CW2 thuộc Dự án.

Như vậy, tại dự án thi công tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, có đến 2 gói thầu lớn đang đứng trước lình xình kiện tụng giữa ba bên: thầu chính - thầu phụ - ngân hàng. Hậu quả là tiến độ của Dự án bị chậm trễ.

Trách nhiệm của chủ đầu tư ở đâu?

Trả lời cho việc chưa tiến hành các thủ tục hoàn trả bảo lãnh, hoàn trả tạm ứng cho các liên danh nhà thầu nêu trên, MB đưa ra hai lý lẽ chính. 

Đầu tiên là việc chính các liên danh đã vi phạm nguyên tắc thanh toán, khi tự ý thanh toán cho các thầu phụ không thông qua số tài khoản do Ngân hàng kiểm soát. 

Thứ hai, đến thời điểm hiện tại, chưa tính toán được chính xác khối lượng cụ thể mà các thầu phụ đã thi công. Từ đây, MB cho rằng, “chưa đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện nghĩa vụ hoàn trả”.

Đại diện hai liên danh lại cho rằng, bản chất của các bảo lãnh thực hiện hợp đồng trên là “vô điều kiện và không hủy ngang”. Do đó, các lý lẽ của MB là phi lý, trốn tránh nghĩa vụ.

Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia về đấu thầu cho biết, việc ký kết và thực hiện hợp đồng thầu phụ với thầu chính đã và đang đặt ra nhiều bài học cho công tác đấu thầu hiện nay. 

“Rất nhiều giao kết được phát sinh mà thiếu kiểm soát của chủ đầu tư (CĐT), dẫn tới nhà thầu chính tự ý lựa chọn nhà thầu phụ mà không đảm bảo năng lực, kinh nghiệm và từ đó không đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng công trình. 

Thực tế, theo thông tin từ Liên danh Kumho - Huyndai và Liên danh Lotte - Hala - Hanshin thì cả hai thầu phụ đều yếu kém và không đủ khả năng tiếp tục thi công. 

Như vậy, đây là những vấn đề mà CĐT phải có trách nhiệm quản lý, giám sát vì liên quan trực tiếp đến tiến độ, chất lượng toàn bộ Dự án. Điều này để xảy ra tại các dự án trọng điểm quốc gia là rất nguy hại”, một chuyên gia đấu thầu cho biết.

Trong khi đó, một chuyên gia về ngân hàng cho rằng, có đến hai hợp đồng phải mổ xẻ cặn kẽ để phân định trách nhiệm trong các trường hợp trên. Đầu tiên chính là hợp đồng giao kết thầu phụ. 

Thứ hai là hợp đồng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với ngân hàng. “Sẽ là hành trình pháp lý phức tạp, kéo dài cho cả ba bên. Hệ lụy xấu đến Dự án thì ai cũng rõ và cần xem lại trách nhiệm của CĐT”, vị chuyên gia khẳng định.

Được biết, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CĐT) đã có văn bản gửi MB và yêu cầu ngân hàng này khẩn trương thực hiện đúng cam kết bảo lãnh hoàn trả tạm ứng. 

Trường hợp Ngân hàng vẫn cố tình không thực hiện theo cam kết, Tổng công ty sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét xử lý, kể cả việc kiến nghị không chấp nhận bảo lãnh của Ngân hàng đối với các dự án khác do Bộ làm CĐT.

Hải An

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.