|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án Lâm Sơn Resort: Archi đã rút lui?

07:45 | 26/12/2017
Chia sẻ
Không chỉ được cảnh báo về những rủi ro khi các điều khoản hợp đồng đều có lợi cho chủ đầu tư, khách hàng mua biệt thự tại Dự án Lâm Sơn Resort (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) còn không rõ hiện ai là chủ đầu tư đích thực của dự án này.

Lịch sử có lặp lại?

Trong các số báo trước, Báo Đầu tư Bất động sản đã phản ánh về những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải khi mua biệt thự tại Dự án Lâm Sơn Resort do Công ty Archi Reenco Hòa Bình (thuộc Tập đoàn Archi) làm chủ đầu tư.

Theo đó, Dự án Lâm Sơn Resort thời gian qua được rao bán rầm rộ và theo thông báo từ đơn vị phân phối, giai đoạn 1 của dự án với 84 căn biệt thự, chỉ còn 4 căn. Mức giá trung bình các căn biệt thự trên diện tích 400 m2 có giá khoảng từ 3 - 3,2 tỷ đồng/căn. Đại diện chủ đầu tư và cả đơn vị phân phối đều khẳng định, giai đoạn 2, giá các biệt thự sẽ cao hơn, khoảng 4,9 - 5 tỷ đồng/căn. Toàn bộ việc phân phối dự án hiện do Sàn giao dịch Bất động sản My Second Home thực hiện.

Tuy nhiên, theo hợp đồng mẫu nhân viên Công ty My Second Home cung cấp cho phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản (trong vai người cần mua biệt thự), thì đây không phải là hợp đồng mua bán, mà chỉ là hợp đồng hợp tác xây dựng và khai thác kinh doanh.

du an lam son resort archi da rut lui
Phối cảnh một căn biệt thự tại Dự án Lâm Sơn Resort

Theo các luật sư, với dạng hợp đồng này, các khách hàng sẽ không có quyền sở hữu bất động sản (không được cấp sổ đỏ nhà ở gắn liền với đất), mà chỉ có quyền sử dụng hoặc khai thác kinh doanh, nhượng quyền sử dụng cho người khác trong thời hạn sử dụng đất còn lại của dự án.

Bên cạnh đó, với việc dự án bị treo trong thời gian dài cũng khiến nhiều khách hàng thận trọng đặt câu hỏi về năng lực thực sự của chủ đầu tư. Cụ thể, Dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phát triển dự án từ năm 2009, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ ngày 8/6/2010 và cấp quyết định duyệt thiết kế quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 từ ngày 15/12/2011, được khởi công rầm rộ từ tháng 3/2011, nhưng mãi tới năm 2017, Archi Reenco Hòa Bình mới thực sự triển khai dự án.

Không chỉ thể, công ty mẹ của chủ đầu tư là Tập đoàn Archi đã có tiền sử không mấy tốt đẹp tại Dự án Green Villas (Ba vì, Hà Nội). Theo đó, năm 2012, Tập đoàn Archi cũng rầm rộ mở bán Dự án Green Villas.

Thời điểm đó, thay vì phải tiếp tục hoàn thiện các hạng mục, tiện ích dự án Green Villas như đã cam kết với khách hàng, thì Archi lại dừng tất cả các hoạt động thi công, phát triển dự án này để làm đơn vị phân phối độc quyền cho Dự án Điền Viên Thôn, nằm trong quần thể biệt thự Zen Resort - một dự án cũng vướng tai tiếng về xây không phép.

Đến nay, sau hơn 5 năm, phần lớn các căn biệt thự tại Green Villas đều bị bỏ hoang, các hạng mục, tiện ích liên quan đều không thể triển khai, khiến nhà đầu tư bị mắc kẹt.

Khách hàng cần tỉnh táo

Theo thông tin từ nhân viên kinh doanh của My Second Home, đơn vị này đã được phía Archi Reenco Hòa Bình chuyển nhượng trên 60% cổ phần và trở thành cổ đông chi phối. Một Phó tổng giám đốc My Second Home hiện đang là thành viên HĐQT của Archi Reenco Hòa Bình.

Mặt khác, trong thành phần cổ đông của My Second Home có sự xuất hiện của một Việt kiều Nga, vị này sở hữu đến 34% cổ phần và sẽ làm Chủ tịch Archi Reenco Hòa Bình.

Liên lạc với ông Lê Ngọc Bình, Giám đốc Công ty Archi Reenco Hòa Bình, ông này xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đã nghỉ làm ở công ty được hơn 2 tháng.

Nếu đúng như vậy, thì dường như Archi đã buông Dự án Lâm Sơn Resort chỉ sau 1/4 chặng đường (Dự án Lâm Sơn Resort được chia thành 4 giai đoạn, tổng cộng gồm hơn 300 căn biệt thự đẳng cấp 4 sao).

Tuy nhiên, theo nhân viên kinh doanh của đơn vị phân phối mời gọi phóng viên (trong vai người cần mua biệt thự) cách đây ít ngày, hợp đồng giai đoạn 1 vẫn ký với Archi Reenco Hòa Bình và người đại diện vẫn là ông Lê Ngọc Bình. Điều này cho thấy, mua biệt thự tại Dự án Lâm Sơn Resort, khách hàng đang đối mặt với nhiều rủi ro.

Để hạn chế rủi ro, luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragoncho biết, trước khi quyết định, các nhà đầu tư nên tìm hiểu đầy đủ thông tin, năng lực chủ đầu tư, dự án đầu tư; nắm rõ toàn bộ nội dung, điều khoản chi tiết trong hợp đồng; tiến độ thực hiện dự án và tỷ lệ trượt giá…

Đức Thành

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.