|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án BOT giao cho Út trọc làm 4 năm không xong

08:01 | 09/06/2020
Chia sẻ
Sau 4 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng với công ty của Út “trọc”, dự án tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) vẫn chưa hoàn thành.
Dự án BOT giao cho Út trọc làm 4 năm không xong - Ảnh 1.

Điểm đầu dự án tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trơ thanh sắt hoen gỉ. Sỹ Đông

Được kỳ vọng “chia lửa” cho tuyến QL1 về áp lực giao thông nhưng sau 4 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng với công ty của Út “trọc”, dự án tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) vẫn chưa hoàn thành.

Chỉ định thầu

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tháng 4.2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc cho UBND TP.HCM thực hiện dự án (DA) này theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). 

Phó thủ tướng cũng cho phép TP.HCM căn cứ vào tính cấp bách của DA để quyết định hình thức chỉ định nhà đầu tư theo thẩm quyền và quy định hiện hành.

Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT. 

Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Sở GTVT, ngày 23.10.2015, UBND TP.HCM quyết định chỉ định Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh) làm nhà đầu tư DA. Hơn nửa năm sau, ngày 25.6.2016, hợp đồng BOT được ký kết giữa đại diện UBND TP.HCM và nhà đầu tư là bà Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty Yên Khánh. 

Để quản lý DA, Công ty Yên Khánh lập ra Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương.

Theo hợp đồng ký kết, DA tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) dài khoảng 2,7 km nằm trên địa phận xã Tân Kiên (H.Bình Chánh) có tổng mức đầu tư 1.557 tỉ đồng. 

Dù tổng mức đầu tư lớn nhưng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư DA, phần vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 14,8% (tương đương 230 tỉ đồng), còn lại là nhà đầu tư đi vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng (chiếm đến 1.327 tỉ đồng).

Để thu hồi vốn đầu tư DA, nhà đầu tư được quyền xây dựng một trạm thu phí trên tuyến đường hoàn thành để thu phí trong vòng 17 năm 8 tháng. 

Dự kiến, giá vé đối với xe dưới 12 chỗ ngồi là 20.000 đồng/lượt; xe từ 12 - 30 chỗ ngồi là 30.000 đồng/lượt; 31 chỗ ngồi trở lên là 35.000 đồng/lượt; xe có trọng tải 10 - 18 tấn và container 20 feet là 60.000 đồng/lượt; xe chở hàng 18 tấn và container 40 feet trả 120.000 đồng/lượt. Hợp đồng BOT cũng cho phép giá vé dự kiến được điều chỉnh 3 năm/lần theo lộ trình.

Thi công chỉ đạt 12% rồi… “đứng hình”

Không chỉ được ưu ái chỉ định thầu, Công ty Yên Khánh còn được ưu ái nhiều vấn đề khác. Cụ thể, để hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành DA theo đúng tiến độ đề ra, TP.HCM nỗ lực giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư, đến tháng 4.2020 đã giao 82% tổng mặt bằng DA. Dù vậy, nhà đầu tư mới thi công được hơn 12% tổng sản lượng xây lắp của toàn DA.

Dự án BOT giao cho Út trọc làm 4 năm không xong - Ảnh 2.

Máy móc thi công dự án nằm phơi nắng, vắng bóng công nhân

Trước tình trạng DA thi công ì ạch, Sở GTVT đã gửi nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán các hạng mục cũng như chứng minh nguồn tài chính để tiếp tục thực hiện DA, nhưng chỉ nhận lại các báo cáo sơ sài, không đạt chất lượng. 

Đến tháng 9.2019, Sở GTVT TP.HCM cùng các đơn vị liên quan gồm UBND H.Bình Chánh, Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương, Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM kiểm tra thực tế và nhận thấy công trường đã ngừng thi công hoàn toàn, không có thiết bị xe máy, nhân công.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, nhà đầu tư đã không thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu và đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đối với các phần việc liên quan. 

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng không chứng minh được nguồn tài chính để thực hiện các hạng mục khối lượng đã giao mặt bằng và cam kết của bên vay đối với khối lượng trong phạm vi mặt bằng dự kiến bàn giao để hoàn thành toàn bộ DA.

Đối chiếu với hợp đồng BOT đã ký kết, Sở GTVT xác định nhà đầu tư đã vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng BOT. Những vi phạm này khiến tỷ lệ giải ngân thấp, DA không thể hoàn thành theo tiến độ trong hợp đồng, dù thời gian thực hiện DA đã kết thúc. 

Do đó, vào tháng 4.2020, Sở GTVT gửi thông báo yêu cầu nhà đầu tư sớm khắc phục các vi phạm trong vòng 90 ngày để xem xét khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Cũng cần nói rõ, DA được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ “chia lửa” với QL1 để rút ngắn cung đường ra cao tốc TP.HCM - Trung Lương, giảm áp lực giao thông trên QL1. Theo hợp đồng, thời gian thi công xây dựng công trình khoảng 20 tháng kể từ ngày khởi công, tức phải hoàn thành vào tháng 2.2018, nhưng đến nay DA vẫn chưa nên hình hài.

Ghi nhận của PV tại điểm đầu DA là đoạn giao Võ Văn Kiệt - QL1, các mố cầu chỉ là những thanh sắt hoen gỉ, không có dấu hiệu của một công trường thi công. Trên một số tuyến đường mà DA băng qua như Cái Trung, Khuất Văn Bức, Nguyễn Cửu Phú, các tấm bảng thông tin công trình đã bạc màu, tơi tả. 

Còn tại điểm cuối là nút giao với đường Võ Trần Chí, khung cảnh công trường vắng lặng. Một hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện DA cho biết: “Gia đình tôi giao đất và nhận bồi thường từ năm 2018, do chủ đầu tư chưa thi công nên gia đình xin ở tạm để tiện cho con đi học. Trong 2 năm “ở nhờ”, chúng tôi thấy công trường vắng bóng công nhân, máy móc nằm trơ trọi”.

Tại buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả các DA giao thông ngày 4.6 của HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM, cho biết nhiều cử tri rất bức xúc trước việc DA tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương “đứng hình”. 

Trong khi đó, tình trạng kẹt xe trên cung đường về miền Tây, nhất là đoạn qua cầu Bình Điền trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Do vậy, ông Nhựt đề nghị phải có phương án tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa DA vào sử dụng, không để người dân phải chờ lâu.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết các sở ngành TP.HCM đang xem xét năng lực nhà đầu tư là Công ty Yên Khánh trước khi quyết định chấm dứt hợp đồng.

Đáng chú ý, Công ty Yên Khánh được thành lập năm 2005, và đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 1,7 tỉ đồng, sau đó tăng vốn điều lệ lên 1.250 tỉ đồng. Bà Vũ Thị Hoan, năm nay 35 tuổi là cháu Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) và được Út “trọc” thuê làm Giám đốc Công ty Yên Khánh (cả 2 đều đang là bị án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án liên quan sai phạm 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM mà Thanh Niên đã phản ánh).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Sỹ Đông

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.