|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án biến rác thành điện mất một nhiệm kỳ mới tìm được nhà đầu tư

10:20 | 05/06/2019
Chia sẻ
Sở TN&MT báo cáo, dự kiến đến quý II/2020 sẽ chọn được NĐT dự án biến rác thành điện của TP HCM. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cho rằng từ khi chọn được nhà tư vấn đến khi chọn được NĐT (đơn vị trúng thầu) thì đã mất cả nhiệm kỳ là quá chậm. Khi đó cán bộ nhiệm kỳ trước liệu có còn làm ở Sở TN&MT không?

Mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TN&MT) TP HCM vừa thông tin về việc thực hiện tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư (NĐT) cho đề án biến rác thành điện tại cuộc họp của Thường trực UBND TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5.

Dự án biến rác thành điện mất một nhiệm kỳ mới tìm được nhà đầu tư - Ảnh 1.

Giám đốc Sở TN&MT cho biết, dự kiến đến quý II/2020 sẽ chọn được NĐT dự án biến rác thành điện của TP HCM. (Ảnh: Hiếu Quân)

Theo đó, UBND TP giao thực hiện kế hoạch đấu thầu lựa chọn NĐT biến rác thành điện, tổng thời gian thực hiện 3 bước đấu thầu là 768 ngày. Sở TN&MT đã nhận chỉ đạo, trong 3 bước này, nếu có nội dung nào có thể rút ngắn thời gian thì nên rút đi. Kết quả là Sở đã rút ngắn thời gian xuống còn 541 ngày.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: "Sở TN&MT đã thực hiện bước đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn. Tháng 4 vừa rồi Sở đã có báo cáo, sau 135 ngày mở thầu, có 10 đơn vị tham dự. Tuy nhiên, đến khi kết thúc thời gian mở thầy thì cả 10 đơn vị này đều xin rút hết, họ e ngại vì mức kinh phí của đề án".

Sau đó, Sở TN&MT đã xin UBND Thành ủy không chọn đơn vị tư vấn dựa vào giá chào thầu nữa, mà dựa vào các tiêu chí khác liên quan đến năng lực của công ty tư vấn. Kết quả là ngày 19/5 đã mở thầu gói tư vấn và đã lựa chọn được đơn vị tư vấn, Sở đang chuẩn bị để trình kết quả này.

Dự kiến đầu tháng 7 Sở TN&MT sẽ thông tin lựa chọn nhà thầu (NĐT dự án) sơ tuyển. Thời gian lập sơ tuyển 160 ngày rút còn 110 ngày để vừa đủ thời gian cho tất cả NĐT trong và ngoài nước quan tâm tham gia.

"Sơ tuyển xong sẽ có 1 danh sách rút gọn các NĐT có năng lực, Sở TN&MT sẽ tổ chức xét chọn trong 90 ngày, sau đó phê duyệt kết quả NĐT chính thức. Quá trình sẽ được thực hiện từng bước và công bố toàn bộ quy hoạch này để cùng các Sở liên quan phối hợp chặt chẽ. Dự kiến, quý II/2020 sẽ chọn được đơn vị trúng thầu", ông Thắng thông tin.

Nhận xét về mốc thời gian này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hồng Phong cho rằng: "Như vậy, kể từ khi chọn được nhà tư vấn đến khi chọn được NĐT (đơn vị trúng thầu) thì đã mất cả nhiệm kỳ. Chúng ta cố gắng rút ngắn thời gian mà vẫn đến quý II/2020 mới có thể chọn được NĐT. Khi đó cán bộ nhiệm kỳ trước liệu có còn làm ở Sở TN&MT không? Chưa kể, quý II/2020 còn là thời điểm các quận, huyện tiến hành Đại hội và chuẩn bị Đại hội thành phố. Từ giờ đến quý II/2020 không biết còn xảy ra sự cố gì không…

Mặc dù nguyên nhân một phần do thủ tục hành chính, khi xin ý kiến các bộ nếu không đeo bám thì sẽ rất chậm. Nhưng về phía Sở TN&MT đã không nhạy bén và dự đoán được tình hình khi ban đầu thấy rõ việc khó chọn được nhà thầu với kinh phí đó…".

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, lượng rác thải sinh hoạt hiện nay của TP HCM đã lên 8.900 tấn/ngày, chưa kể rác công nghiệp và rác thải y tế… Trong khi công nghệ xử lý rác của Việt Nam mới dừng ở tái chế và chôn lấp.

Hiện nay, nhiều NĐT rất muốn đem công nghệ biến rác thải thành năng lượng đến Việt Nam. Khi thành phố tổ chức họp, rất nhiều NĐT tham gia, các đơn vị đã giới thiệu nhiều công nghệ, thành phố cần tiến hành chọn nhà tư vấn phù hợp.

Theo Sài Gòn Giải phóng Online đưa tin trước đó, dự án xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện kêu gọi đầu tư có công suất 1.000 tấn/ngày, đơn giá xử lý không quá 21 USD/tấn, sẽ tiếp nhận xử lý rác sinh hoạt của TP HCM chưa qua phân loại.

Các nhà đầu tư cần cam kết và chấp thuận điều kiện ràng buộc về đảm bảo thiết bị máy móc mới 100%, cung cấp hồ sơ thông số kỹ thuật, số serie, đời sản xuất, tuổi thọ… của thiết bị máy móc; yêu cầu đảm bảo vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn liên tục trong thời gian bảo hành, sửa chữa hoặc gặp sự cố…

Thành phố ưu tiên những NĐT có kinh nghiệm vận hành các dự án đốt rác phát điện tương tự có công suất trên 1.000 tấn/ngày.

Về về công nghệ, ưu tiên tự động hóa của dây chuyền thiết bị theo tiêu chuẩn các nước G7; có hệ thống phân loại để thu hồi tái chế trước khi đốt; thiết kế modul đảm bảo khối lượng  trong trường hợp khối lượng rác vượt 1.000 tấn/ngày; có phương án tiêu thụ điện năng và sản xuất điện năng; bắt buộc tỷ lệ chất thải rắn thứ cấp phát sinh từ lò đốt rác dưới 10%; ưu tiên các công trình trực tiếp tiếp nhận rác, tất cả hạng mục phát sinh mùi đều phải có thiết kế đảm bảo kín; ưu tiên nhà đầu tư cam kết giáo dục - đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực địa phương, hỗ trợ độc hại cư dân địa phương…

Hiếu Quân