|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đồng Tháp sắp có hai tuyến cao tốc gần 11.000 tỷ đồng

07:21 | 24/03/2022
Chia sẻ
Hai dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và Cao Lãnh - Mỹ An với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp sẽ được triển khai trong thời gian sắp tới.

Chiều ngày 23/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Trí Quang đã có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan và đơn vị tư vấn để nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông quan trọng sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian sắp tới.

Đáng chú ý là hai dự án xây dựng đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và cao tốc Cao Lãnh - Mỹ An đi qua địa bàn Đồng Tháp. Tổng mức vốn đầu tư của hai tuyến cao tốc này gần 10.800 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được Thủ tướng phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2026.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 27,43km. Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), thuộc địa phận xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km), thuộc địa phận xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Đồng Tháp sắp có hai tuyến cao tốc gần 11.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Phương án tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, đi qua hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. (Ảnh: Đèo Cả).

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án khoảng 141 ha (chủ yếu là đất trồng lúa), số hộ bị ảnh hưởng là 254 hộ, trong đó cần hỗ trợ tái định cư cho 119 hộ.

Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư trên 4.770 tỷ đồng, chiều dài tuyến 26,55 km.

Điểm đầu kết nối với tuyến N2 thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, điểm cuối tại nút giao An Bình (điểm đầu cầu Cao Lãnh) thuộc huyện Cao Lãnh. Vận tốc thiết kế 100 km/h, trong đó giai đoạn 1 khai thác với vận tốc 80 km/h.

Tại buổi làm việc, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị tỉnh cử đầu mối để phối hợp thực hiện, xây dựng kế hoạch đối với những nội dung cần thực hiện cho đến khi khởi công dự án, sớm thực hiện các thủ tục để triển khai công tác giải phóng mặt bằng...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang giao Sở GTVT làm đầu mối phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan chuẩn bị các bước tiếp theo, đảm bảo các dự án được khởi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, trong đó cần khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Cũng trong chiều 23/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang đã làm việc với CTCP Tư vấn xây dựng công trình 625 về dự án hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền (thuộc địa phận TP Sa Đéc, huyện Lấp Vò và Lai Vung).

Dự án kết nối với đường Hồ Chí Minh (cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh - Rạch Sỏi) nhằm khai thác hiệu quả cầu Cao Lãnh, tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống và cầu Vàm Cống; kết nối TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh, TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và các đô thị khác.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 27,3km, thiết kế cấp II - đồng bằng từ xã Tân Mỹ đến TP Sa Đéc, thiết kế cấp III - đồng bằng từ trung tâm xã Long Hưng A đến Quốc lộ 54, xây dựng 28 cầu tải trọng HL93. Tổng vốn thực hiện dự án gần 3.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.