|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đồng Nai: 5 KCN hơn 7.100 ha vừa phê duyệt sẽ không xây khu đô thị - dịch vụ

08:23 | 04/02/2021
Chia sẻ
Tỉnh Đồng Nai thống nhất 5 khu công nghiệp vừa được Chính phủ phê duyệt sẽ chỉ phát triển công nghiệp, không phát triển theo hình thức Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Chỉ trong hơn một tháng trở lại đây, Đồng Nai đã được Chính phủ chấp thuận đưa vào Quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam thêm 5 KCN. Trong đó, riêng huyện Long Thành có 3 KCN là Bàu Cạn - Tân Hiệp, Long Đức 3, Phước Bình 2. Huyện Cẩm Mỹ thêm một KCN  là Xuân Quế - Sông Nhạn. Huyện Nhơn Trạch có thêm KCN Phước An.

Cụ thể, KCN Long Đức 3 quy mô 253 ha tại xã Long Đức; Khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp quy mô 2.627 ha tại xã Bàu Cạn và xã Tân Hiệp; Khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn quy mô 3.595 ha tại xã Xuân Quế và xã Sông Nhạn; KCN Phước An quy mô 330 ha tại xã Phước An và KCN Phước Bình 2 quy mô 299 ha tại xã Phước Bình và xã Tân Hiệp.

Theo tỉnh Đồng Nai, cả 5 KCN mới được Chính phủ phê duyệt đều có thuận lợi là hiện trạng đất chủ yếu trồng cao su, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hồi đất sẽ nhanh hơn so với thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân. 

Ngoài ra, đã có nhiều doanh nghiệp đề xuất được đầu tư hạ tầng kỹ thuật của các KCN nhưng tỉnh và các bộ, ngành chưa có thống nhất sẽ giao cho doanh nghiệp hay tiến hành đấu thầu chọn nhà đầu tư. Đồng thời, những diện tích đất trong các KCN trên sẽ giao trực tiếp hay đấu giá cũng chưa được quyết định,…

Theo lãnh đạo của 3 huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Nhơn Trạch, các KCN đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030. 

Các huyện này cũng mong tỉnh Đồng Nai và Chính phủ sẽ chọn những nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm để làm nhanh hạ tầng kỹ thuật, sớm có đất cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê làm nhà xưởng phát triển công nghiệp. 

Tại cuộc họp vào ngày 28/1 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai và các sở, ngành, địa phương cũng thống nhất 5 KCN vừa được Chính phủ phê duyệt sẽ chỉ phát triển công nghiệp, không phát triển theo hình thức KCN - đô thị - dịch vụ.

5 KCN hơn 7.100 ha vừa đưa vào quy hoạch tại Đồng Nai sẽ không kết hợp khu đô thị - dịch vụ - Ảnh 1.

Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Theo Báo Đồng Nai, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn tỉnh hiện đạt mức bình quân hơn 82%, cao hơn bình quân cả nước khoảng 10%. Theo quy định của Chính phủ, khi tỷ lệ lấp đầy của các KCN đạt từ hơn 60% trở lên thì các tỉnh, thành có thể đề xuất thành lập thêm các KCN mới. 

Sau khi rà soát lại đất đai tại các huyện, thành phố và nhu cầu phát triển công nghiệp trong những năm tới, Đồng Nai đã đề xuất Chính phủ đưa vào Quy hoạch KCN Việt Nam thêm 5 KCN để triển khai xây dựng hạ tầng, đón sóng đầu tư trong và ngoài nước (FDI).

Khoảng hai năm nay, nhiều doanh nghiệp FDI đến Đồng Nai tìm hiểu chính sách, đất đai với dự tính sẽ đầu tư. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đề xuất sẽ thuê diện tích đất lớn khoảng 10 - 50 ha để xây dựng nhà xưởng sản xuất thì các KCN hầu như không đáp ứng được vì quỹ đất còn lại rất ít.

Thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai mới đây cũng cho biết, quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều, nguyên nhân là nhiều khu công nghiệp (KCN) vẫn còn có diện tích đất vướng bồi thường giải tỏa hoặc chưa hoàn tất thủ tục pháp lý triển khai hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể, diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê hiện còn khoảng 300 ha. Trong khhi đó, diện tích đất công nghiệp còn vướng bồi thường, giải tỏa và chưa hoàn thiện đầu tư hạ tầng là 900 ha.

Do diện tích đất công nghiệp cho thuê đã hoàn chỉnh hạ tầng không còn nhiều, đơn vị này kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhanh tiến độ xây dựng các KCN mới và KCN đề xuất mở rộng, đảm bảo cho việc thu hút đầu tư của tỉnh được thuận lợi.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để triển khai nhanh việc hoàn thiện đấu nối hạ tầng ngoài KCN, trong đó có việc chưa đấu nối thoát nước ngoài ranh hàng rào các khu công nghiệp Sông Mây, An Phước, Tam Phước và Nhơn Trạch,...

Mới đây (ngày 12/1), Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho ba dự án mới có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 190 triệu USD.

Cụ thể, gồm: Dự án của Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (Nhật Bản) và Công ty TNHH Platel Vina (Hàn Quốc).

Theo đó, Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam đầu tư vào KCN Hố Nai giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Công ty TNHH Ojitex Việt Nam đầu tư vào KCN Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành), có tổng vốn đăng ký là 60 triệu USD. Còn Công ty TNHH Platel Vina đầu tư vào KCN Amata (TP Biên Hòa) tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. 


Hà Lê