Động lực mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương, trong các quý tiếp theo, ít nhất tăng trưởng GDP của một quý phải trên 7%...
Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế
Tại buổi Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2021, sáng 29/3, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ 2020, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.
“Với kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế",- Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Chia sẻ về động lực tăng trưởng của quý I/2021, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho hay, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%. Khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,7%; trong đó, các ngành dịch vụ thị trường như: bán buôn và bán lẻ tăng 6,45%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cũng nhận định, điểm sáng lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nhiều địa phương như: Bắc Giang, Hải Phòng với kết quả thu hút dòng vốn FDI từ năm 2020 đã khiến ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh. Nhiều ngành có tăng trưởng cao như: thép cán, điện thoại…
Khu vực dịch vụ trong quý I/2021 cũng tăng trưởng tích cực khi dịch được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ, cán cân thương mại hàng hóa quý I/2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD; có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng 27,5% do tăng số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng và giảm số doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua….
Ít nhất một quý phải tăng trưởng trên 7%
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý II, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mức tăng 4,48% của GDP quý I/2021 là thấp. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, ít nhất một quý phải có tăng trưởng trên 7%.
Phân tích các động lực tăng trưởng, theo Thứ trưởng Phương, mặc dù, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức tăng 2 con số đạt được ở những giai đoạn GDP tăng trưởng cao.
“Điều này cho thấy sức tăng ở thị trường nội địa chưa rõ nét. Tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn cầm chừng do lo ngại những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài”, ông Phương chia sẻ.
Trong khi đó, mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 9,45% nhưng chỉ số này vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng 2 con số của cùng kỳ các năm 2018 và 2019. Cùng với đó, vốn đầu tư công vẫn chưa được đẩy mạnh vào nền kinh tế. “Vì vậy, động lực tăng trưởng những quý cuối năm vẫn chưa thực sự rõ nét”, ông Phương nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, Tổng cục Thống kê đề xuất, trước mắt, các địa phương cần thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhanh chóng triển khai tiêm vaccin phòng COVID-19. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, riêng ngành nông nghiệp cần điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa, tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, và đặc biệt cần linh hoạt trong chỉ đạo với từng vùng, từng loại cây.
Việc chuyển đổi cần phù hợp thổ nhưỡng và thị trường. Trong quá trình chuyển đổi, các cơ quan hữu quan cần luôn bám sát và có những kiến nghị để sản xuất không chạy theo phong trào, tránh tái diễn việc “giải cứu” nông sản.
Đối với chăn nuôi, tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi, tiếp tục đưa ra các chính sách, gói hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật để người nông dân tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước; chăn nuôi gia cầm cần kiểm soát tốt về mặt tăng đàn, theo dõi sát nhu cầu của thị trường tránh tăng đàn ồ ạt.
Song song đó, cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước… Tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021; mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/4/2020.
Ông Phạm Đình Thúy đề xuất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh...
Cùng với đó, Tổng cục Thống kê đề xuất cần ngăn chặn hiệu quả hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác hàng hóa đột lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu nhằm tận dụng các lợi thế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại; đồng thời, chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, thân thiện môi trường đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.
Hơn nữa, cần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để đạt muc tiêu lạm phát dưới mốc 4% mà Quốc hội đề ra sẽ còn nhiều rủi ro, nhất là bối cảnh giá nhiên liệu thế giới biến động mạnh. CPI tháng 12/2021 sẽ rất cao, có thể lên tới 7%.
Do đó, để kiểm soát lạm phát bền vững, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê kiến nghị điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý như không tăng giá ở một số nhóm dịch vụ y tế theo lộ trình. Việc điều chỉnh giá cần đúng thời điểm, đúng liều lượng.
Theo ông Lê Trung Hiếu, cùng với những giải pháp trên, Tổng cục Thống kê đang phối hợp với các bộ ngành để cập nhật điều chỉnh kịch bản các quý với mục tiêu giữ vững mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay. “Nhiều tín hiệu tốt kỳ vọng tăng trưởng các quý tiếp theo như: triển khai tiêm vaccin, lây lan cộng đồng được kiểm soát, các ngành kinh tế quan trọng có dấu hiệu phục hồi….”- ông Hiếu kỳ vọng.