Donald Trump bứt phá, góc khuất của bầu cử Mỹ lộ diện
Người Mỹ thực dụng
Ngày 21/10, hãng tin Reuters/Ipsos đã công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận về hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ.
Cụ thể, tỷ phú 70 tuổi - Donald Trump đang dần thu hẹp khoảng cách với đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton cho dù đang vướng vào bê bối xâm phạm phụ nữ và liên tục hoài nghi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử 2016.
Theo kết quả cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 14 - 20/10, cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton đang dẫn trước "ông trùm" bất động sản Trump với cách biệt 44%-40%. Khoảng cách dẫn trước bị thu hẹp đáng kể so với cuộc khảo sát từ ngày 7 - 13/10 khi bà Clinton dẫn trước ông Trump tới 7% với tỷ lệ 44%-37%.
Donald Trump đang thu hẹp khoảng cách với đối thủ Hillary Clinton
Tỷ lệ thăm dò luôn có sự chênh lệch đáng kể trên các phương tiện truyền thông Mỹ. Theo 3 lần thăm dò hãng CNN thực hiện, sau lần tranh luận đầu tiên, tỷ lệ người ủng hộ bà Hillary thắng phần tranh luận là 62%; con số này với ông Trump là 27%. Trong cuộc tranh luận lần hai, tỷ lệ này dành cho bà Hillary giảm xuống còn 57%; và tương ứng với ông Trump là 34%. Sau tranh luận trực tiếp lần cuối, tỷ lệ ủng hộ bà Hillary giảm còn 52%; với ông Trump là 39%.
Trong khi đó, trang Real Clear Politics thông tin rằng, bà Hillary giành 48% tỷ lệ ủng hộ, còn ông Trump đạt 44%. Còn đài CBS News lại cho rằng bà Hillary dẫn trước với tỷ lệ 51%, còn ông Trump là 40%.
Một kết quả trái ngược hoàn toàn được tờ Los Angeles Times công bố, ông Trump dẫn trước với tỷ lệ 46,5%, còn bà Hillary là 43%.
Trở lại cuộc thăm dò của hãng tin Reuters/Ipsos. Ngoài việc lấy ý kiến thăm dò, hãng tin này cũng đặt ra một loạt câu hỏi riêng rẽ về cảm nhận của người dân trước cách ứng xử của ứng cử viên Trump.
Theo đó, 63% người được hỏi, trong đó có 1/3 cử tri tiềm năng của đảng Cộng hòa tin rằng, ông Trump có hành vi không đúng mực đối với phụ nữ trong quá khứ.
Người Mỹ luôn sống một cách thực tế và thực dụng. Một số người tham gia khảo sát cho biết, dù vụ bê bối trên là có thật, song họ vẫn ủng hộ ứng cử viên tổng thống của tỷ phú New York với lập luận rằng những điều mà ông Trump làm trong quá khứ không quan trọng bằng việc ông sẽ làm khi trở thành Tổng thống.
Cuộc bầu cử của sự nghi ngờ?
Liên quan đến kết quả cuộc bầu cử sắp tới, chỉ một nửa cử tri Cộng hòa cho biết sẽ chấp nhận bà Clinton làm Tổng thống mặc dù gần 70% trong số này cho rằng có thể có gian lận trong quá trình bầu cử.
Ngược lại, 70% cử tri Dân chủ nói rằng họ vẫn sẽ chấp nhận nếu ông Trump giành chiến thắng, mặc dù chưa đầy 50% cử tri Dân chủ cho rằng kết quả này là không hợp lệ hay bầu cử bị sắp đặt.
Các cuộc khảo sát được diễn ra liên tục sau khi Trump nhiều lần tố truyền thông và tổ chức chính trị đã sắp đặt bầu cử chống lại ông. Vị tỷ phú này còn khuyến khích người ủng hộ ngăn chặn cử tri bất hợp pháp bỏ phiếu trong ngày bầu cử vào ngày 8/11 sắp tới.
Đề cập đến việc ai sẽ trở thành tân Tổng thống của nước Mỹ, bà Clinton nói bà chấp nhận kết quả bầu cử trong khi Trump nói việc ông có chấp nhận hay không "còn phải chờ đến lúc đó". 8 trong 10 đảng viên Cộng hòa quan ngại về độ chính xác khi kiểm phiếu. Tỷ lệ này ở phe Dân chủ là 6 trên 10.
Trước những nghi vấn của người Mỹ về sự thiếu minh bạch trong cuộc bầu cử Tổng thống, Reuters đã dẫn lời bà Lonna Atkeson, giáo sư tại Đại học New Mexico, đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Bỏ phiếu, Bầu cử và Dân chủ. Bà Atketson cho rằng: "Phe Cộng hòa lo lắng về mọi thứ hơn Dân chủ"
Theo Atkeson, mức độ lo ngại và mất niềm tin vào hệ thống bầu cử, đặc biệt ở phe Cộng hòa, cao chưa từng thấy. "Tôi chưa từng chứng kiến một cuộc bầu cử như vậy. Chắc chắn không phải trong lịch sử hiện đại", bà Atketson bày tỏ.
Bà nhận định, thiếu niềm tin rất nguy hiểm. Mất niềm tin vào Chính phủ là một chuyện, mất niềm tin vào quá trình bầu cử lại là chuyện khác. "Rồi toàn bộ nền dân chủ Mỹ sẽ bị nghi ngờ", bà Atketson khẳng định.
Một cuộc bầu cử Tổng thống đầy rẫy những nghi ngờ về sự thiếu minh bạch. Nó đã thể hiện rõ nhất những góc khuất của bầu cử Mỹ. Ngoài ra, nó còn cho thấy người dân Mỹ đang rất phân vân và cảm thấy thất vọng với chính quyền trong việc đảm bảo những lá phiếu của họ tới đúng người mà họ ủng hộ, tin tưởng.
Theo Trung Kiên
-->