|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đơn vị nào sẽ quản lý Quỹ vắc xin phòng COVID-19 dự kiến có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng?

09:17 | 29/05/2021
Chia sẻ
Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết trong quyết định thành lập Quỹ, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính quản lý nguồn tài chính của Quỹ.

Ngày 26/5, Thủ tướng đã ban hành quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết Bộ đã khẩn trương triển khai xây dựng để ban hành quy chế hoạt động của Quỹ và thiết lập bộ máy quản lý. 

Theo quy định, Quỹ sẽ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Nếu các doanh nghiệp muốn đóng góp vào quỹ thì hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại.

Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào Quỹ các khoản tiền mà một số doanh nghiệp đã đóng góp hỗ trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế trong thời gian liên quan đến việc mua vắc xin.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết dự kiến muộn nhất tuần sau sẽ phối hợp với các đơn vị để ban hành quy chế này.

Về vấn đề giao đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý số tiền của Quỹ, dự kiến có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng, ông Võ Thành Hưng cho biết trong quyết định thành lập Quỹ, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính quản lý nguồn tài chính của Quỹ. 

"Tuy nhiên Bộ Tài chính chỉ có chức năng quản lý tài chính, còn quyết định sử dụng khi nào và mỗi lần bao nhiêu thì các cơ quan liên quan sẽ báo cáo Thủ tướng để quyết định. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ quỹ để thực hiện mua vắc xin", ông Hưng thông tin.

Ông Hưng cũng khẳng định Quỹ sẽ được quản lý, sử dụng hoàn toàn công khai, minh bạch. "Số thu của Quỹ sẽ được ghi nhận và sẽ được công khai trên các website của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết thì sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định", ông Hưng nói.

Về việc các địa phương nếu như có nhu cầu thành lập quỹ vắc xin tại địa phương thì có được hay không, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho rằng, hiện tại việc mua vắc xin Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Y tế làm cơ quan đầu mối, nên thiết nghĩ các địa phương không cần thành lập quỹ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại các địa phương có thể hỗ trợ chính quyền địa phương, bởi theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, thì các địa phương cũng có trách nhiệm trong việc chia sẻ gánh nặng của ngân sách với ngân sách trung ương. Phần đóng góp của doanh nghiệp có thể góp trực tiếp cho ngân sách địa phương mà không nhất thiết phải thành lập quỹ.

Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam (gọi tắt là Quỹ) để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.

Quỹ do Bộ Tài chính quản lý với tên giao dịch tiếng Anh của Quỹ là: Vietnam Fund for Vacination Prevention of Coronavirus Disease 2019 (viết tắt là VFVC). Bộ Tài chính ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ, công khai, minh bạch.

Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính, hiện vật của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Bộ máy quản lý Quỹ sử dụng cán bộ, công chức của Bộ Tài chính, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ do ngân sách nhà nước chi trả, không sử dụng từ nguồn thu của Quỹ.

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ nhưng phải đảm bảo an toàn.

Nguồn thu của Quỹ bao gồm: các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin, các loại hình vật chất khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Quỹ; các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nhiệm vụ chi của Quỹ là sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Đào

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.