Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng tăng hơn 15% nhờ khách du lịch tăng
Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng tăng hơn 15% nhờ lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tiếp tục tăng. (Ảnh minh họa) |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng gần 13% so với cùng kỳ
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 đạt 340.900 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 253.800 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44.100 tỷ đồng, tăng 3,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3.3000 tỷ đồng, giảm 6,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 39.700 tỷ đồng, tăng 1,2%.
Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 3,32 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2016 tăng 9%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng đạt khoảng 2,4 triệu tỷ đồng, chiếm 74,9% tổng mức và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,5%; lương thực, thực phẩm tăng 10,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 9,9%; may mặc tăng 9,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,8%; phương tiện đi lại tăng 8,4%. Một số địa phương có mức tăng khá như Bình Dương tăng 18,3%; Bình Phước tăng 17,7%; Quảng Ninh tăng 14,6%; Hải Phòng tăng 13,3%; TP HCM tăng 12,5%; Hà Nội tăng 11,6%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng đạt 406.700 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu của Bắc Ninh tăng 18,6%; Hải Phòng tăng 15,3%; TP HCM tăng 10,5%; Hà Nội tăng 10,2%.
Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng đạt 30.100 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tiếp tục tăng. Trong đó, doanh thu của Thái Bình tăng 24,1%; Thanh Hóa tăng 20,6%; Hải Phòng tăng 22,1%; TP HCM tăng 18,1%; Hà Nội tăng 7,3%.
Doanh thu dịch vụ khác 10 tháng khoảng 382.200 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng mức và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016. Một số địa phương có doanh thu tăng khá là Bình Dương tăng 19,2%; Đồng Nai tăng 12,7%; Nam Định tăng 12%; Quảng Trị tăng 11,4%; TP HCM tăng 9,1%; Hà Nội tăng 5,6%.
Tháng 10 là tháng thứ 7 liên tiếp có hơn 1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam
Báo cáo cũng cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 đạt khoảng hơn 1 triệu lượt người, tăng 5% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 7 tính từ đầu năm có lượng khách đến nước ta đạt trên 1 triệu lượt người.
So với cùng kỳ năm trước, khách du lịch đến nước ta trong tháng 10 tăng 24,7%, trong đó khách đến từ châu Á tăng 29,4%, từ châu Âu tăng 8,3%, từ châu Mỹ tăng 8%, từ châu Úc tăng 20,7%, từ châu Phi tăng 23,6%.
Tính chung 10 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt khoảng 10,5 triệu lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 8,9 triệu lượt người, tăng 31%; đến bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, tăng 18%; đến bằng đường biển đạt 204.700 lượt người, giảm 8,1%.
Trong 10 tháng, khách đến từ châu Á đạt 7,9 triệu lượt người, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng: khách đến từ Trung Quốc đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 45,6%; Hàn Quốc 1,9 triệu lượt người, tăng 53,9%; Nhật Bản 658.200 lượt người, tăng 7,7%...
Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1,5 triệu lượt người, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ Liên bang Nga là 457.300 lượt người, tăng 38,3%; Vương quốc Anh 233.700 lượt người, tăng 11,8%; Pháp 208.800 lượt người, tăng 6,7%; Đức 15.700 lượt người, tăng 13,7%...
Khách đến từ châu Mỹ đạt 671.200 lượt người, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ Hoa Kỳ đạt 506.400 lượt người, tăng 9,8%. Khách đến từ châu Úc đạt 352.500 lượt người, tăng 13,3%, trong đó khách đến từ Australia đạt 308.500 lượt người, tăng 14,2%. Khách đến từ châu Phi đạt 29.000 lượt người, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2016.
[Infographic] Tiêu điểm ngành bán lẻ Việt Nam
Thị phần dân số trẻ cao (dân thành thị đông thứ 2 trong khu vực) và nền kinh tế phát triển là động lực cho ... |