Doanh nhân gốc Á hứa giúp nước Mỹ hồi sinh nếu trở thành tổng thống
Andrew Yang, 44 tuổi, sinh tại New York trong một gia đình gốc Đài Loan. Ông hiện là ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Phương châm của ông là sẽ “hồi sinh” nước Mỹ và sẽ tạo ra 100.000 việc làm vào năm 2025.
Ông nổi tiếng khi đề ra lý thuyết gọi là Thu nhập cơ bản phổ thông (UBI), phân chia số tiền kiếm được bằng nhau cho tất cả mọi người, bất chấp tình trạng việc làm. Yang từng tuyên bố nếu ông đắc cử thổng thống, chính quyền Washington sẽ chia cho mỗi người Mỹ tuổi 18-64 mỗi tháng 1.000 USD.
Andrew Yang phát biểu trong một cuộc hội thảo ở New York. Ảnh: Bloomberg.
Là một người am hiểu Toán học và công nghệ mới như blockchain và tiền ảo, Andrew Yang được đánh giá là một gương mặt "lạ" trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nơi tỷ phú Donald Trump đang sinh sống.
Giấc mơ xa rời thực tế
Theo Vox, doanh nhân Yang từng là CEO công ty giáo dục Manhattan GMAT trước khi bán lại cho Kaplan mua lại năm 2009.
Phương châm hoạt động của VFA đầy tính nhân văn, nhưng gây tranh cãi. Đó là khuyến khích những người trẻ đi “học việc” tại những công ty nổi tiếng ở phố Wall, rồi quay về làm việc cho các công ty khởi nghiệp vận hành tại các thành phố nghèo hơn của Mỹ.
Tham vọng phát triển nhân tài để vực dậy các thành phố đổ nát nhận được cổ vũ nhiệt tình từ phía người dân và chính phủ Mỹ. Năm 2015, Yang được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm làm "Đại sứ tổng thống về khởi nghiệp toàn cầu".
VFA đặt ra mục tiêu tạo ra 100.000 việc làm tại những thành phố nghèo nhất nước Mỹ vào năm 2025. Tuy nhiên đến nay VFA chưa tạo ra nổi 4.000 công ăn việc làm. Yang thừa nhận ông quá tham vọng và đã thất bại. Mới đây ông đã rút khỏi VFA.
Andrew Yang từng gây chú ý khi tuyên bố nếu đắc cử Tổng thống Mỹ, chính phủ sẽ chia cho mỗi người dân 1.000 USD mỗi tháng để thúc đẩy tiêu dùng.
"Ban đầu giấc mơ của ông ấy là rất lớn", một người làm việc tại VFA cho biết. "Chúng tôi đều có tham vọng thay đổi thế giới và hồi sinh nước Mỹ". Tuy nhiên tổ chức của Yang rất chật vật trong việc thu hút giới đầu tư.
Ví dụ năm 2017, VFA chỉ huy động được khoảng 5 triệu USD. Một số người trong tổ chức tiết lộ các nhà đầu tư lớn tại New York không tin tưởng vào việc đưa những sinh viên tài năng đến làm việc tại các thành phố nghèo nàn, kém phát triển.
Trên thực tế, ông Yang đã tiếp cận với nhiều tỷ phú ở New York. "Ông ấy nói chuyện với các đại gia này và luôn tỏ ra thoải mái, không hề bị thua kém. Họ tôn trọng ông ấy", một người thuộc VFA cho biết. Tuy nhiên chỉ chừng đó là chưa đủ.
Trong số 800 thành viên tham gia chiến dịch của VFA, mới chỉ có khoảng 130 người lập công ty khởi nghiệp tại các thành phố Mỹ. Một số người thành công như Sara Cullen, cựu sinh viên Đại học Cornell, kể cô được truyền cảm hứng mạnh mẽ khi nói chuyện với ông Yang.
"Nói chuyện 10 phút với ông ấy là bạn sẽ nghĩ mình phải làm một điều gì đó có ý nghĩa", Vox dẫn lời Cullen kể. Tuy nhiên công ty khởi nghiệp của cô được thành lập tại Los Angeles chứ không phải New Orleans như dự tính ban đầu. Chỉ 52% cựu sinh viên tham gia VFA còn hoạt động ở các thành phố mục tiêu.
Nói về việc rút lui khỏi VFA, ứng cử viên Đảng Dân chủ cho biết: “Để đạt được thành công có ý nghĩa, bạn cần đặt ra mục tiêu thực sự tích cực hơn”.
Phương châm lấy tiền thuế chia cho dân
Dẫu thất bại với VFA, ông Yang thu hút được một số lượng người ủng hộ nhỏ nhưng rất nhiệt thành. Theo Politico, nguyên nhân là bởi ông đưa ra một giải pháp cụ thể dành cho những người nghèo Mỹ.
Đó là dùng tiền thuế thu được từ các tập đoàn khổng lồ như Amazon, Google hay Apple để chia cho mỗi người Mỹ trưởng thành 1.000 USD/tháng. Ông cho rằng đây là cách hiệu quả để tái cơ cấu nền kinh tế lớn nhất thế giới theo hướng bình đẳng hơn.
Ông Andrew Yang tiếp xúc cử tri ở South Carolina hồi tháng 5. Ảnh: Politico.
"Nước Mỹ có rất nhiều nguồn lực, nhưng lợi ích của việc sống trong quốc gia giàu có và phát triển nhất thế giới không được chia sẻ cho phần lớn người Mỹ", ông Yang nhấn mạnh. "Chúng ta phải xây dựng nền kinh tế coi con người là trên hết".
Ngày 27/6 tới, ông Yang sẽ tham gia cuộc tranh luận của các ứng cử viên Đảng Dân chủ tại thành phố New York, bênh cạnh cựu Phó tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand... Cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp trên kênh NBC.
Những người ủng hộ hi vọng với lần xuất hiện này, ông Yang sẽ tạo được tiếng vang trên phạm vi toàn quốc, tạo đà tốt cho cuộc đua ở nội bộ Đảng Dân chủ. Với tham vọng trở thành ứng cử viên tổng thống gốc Á đầu tiên của một đảng lớn tại Mỹ, ông Yang tự mô tả mình: "Người đối lập hoàn toàn với Donald Trump là một người gốc Á thích Toán học".
Giới quan sát nhận định ông Yang không có nhiều cơ hội trong cuộc đua, nhưng ít nhất đến thời điểm này, báo chí Mỹ đã nói nhiều về ông. New York Times, Vox, Politico, Washington Post, Time... đều có những phân tích về chiến dịch tranh cử của doanh nhân gốc Á.
Hãy chờ xem ông sẽ thể hiện thế nào trong cuộc tranh luận ngày 27/6 tới.