|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp trông chờ giải pháp tỉ giá linh hoạt của Chính phủ

07:37 | 05/09/2019
Chia sẻ
Doanh nghiệp đang rất trong chờ vào những giải pháp kịp thời của chính phủ để cân bằng áp lực về hàng xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp trông chờ giải pháp tỉ giá linh hoạt của Chính phủ  - Ảnh 1.

Sau động thái Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất ở Mỹ, đồng thời tỉ giá CNY và USD liên tiếp tăng cao, vượt qua ngưỡng 7 CNY/1 USD, thực sự áp lực đè lên các doanh nghiệp xuất khẩu ngày một lớn hơn.

Thứ nhất, lãi suất ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với lãi suất ở các nước khác. Bao gồm cả lãi suất dài hạn cho đầu tư (trên 10%) và vay cho vốn lưu động ở mức 5%. So với các quốc gia khác đây là mức khá cao, dẫn đến giá thành sản xuất tại ở Việt Nam ngày một cao hơn.

Thứ hai, các quốc gia cùng xuất khẩu, trong đó lớn nhất là Trung Quốc có tỉ giá đồng tiền nội tệ giảm mạnh so với USD cũng làm cho giá hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia này giảm đi. Nếu xét riêng trong năm 2019 này, họ đã giảm từ 6,4 – 6,5 CNY lên tới 7 CNY/1 USD, tức là giảm xấp xỉ 10%, trong khi 7 tháng đầu năm đồng tiền của Việt Nam so với USD la Mỹ là không thay đổi. 

Vô hình chung, hàng hóa dệt may nói riêng và các mặt hàng xuất khẩu khác đều đắt hơn 7% so với hàng hóa Trung Quốc. Nếu cộng cả các yếu tố về lãi suất để vận hành doanh nghiệp ở Việt Nam thì khả năng hàng hóa Việt Nam đắt hơn so với các quốc gia cạnh trên 12% là điều khá rõ ràng.

7 tháng tăng trưởng xuất khẩu của ngành chỉ đạt trên 9% so với cùng kỳ. Dù vẫn được đánh giá là quốc gia mức tăng trưởng tốt song việc tiếp cận, thỏa thuận đơn hàng gặp khó khăn hơn. Do tác động từ căng thẳng Mỹ - Trung làm cho cầu không ổn định nên xu thế đặt đơn hàng ngắn hạn hơn. 

Bên cạnh đó, yếu tố trực tiếp ảnh hưởng là thuế quan chưa được áp dụng đối với các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc trong khi tỉ giá của họ giảm, hàng hóa của họ rẻ đi, họ áp dụng chiến lược đẩy hàng tồn kho…

Cùng với đó, những yếu tố về chính sách bên trong như tăng giá điện, tăng lương cơ bản… gây áp lực lên tổng chi phí vận hành, giá bán lại có xu thế giảm 10% so với các năm trước. Do đó để duy trì được tỉ suất lợi nhuận, dòng tiền là thử thách lớn với doanh nghiệp.

Bởi vậy, giải pháp duy nhất cho doanh nghiệp chính là thực hành tiết kiệm, tiếp tục nâng cao năng suất, hạn chế các chi phí không hợp lý. Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ mang tính ngắn hạn. 

Xét về dài hạn, khi khoảng cách giữa VNĐ và USD, lãi suất trong nước tiếp tục tăng cao… doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục gặp khó. Những chương trình, dự án muốn đầu tư để đáp ứng các yêu cầu của thị trường, cũng như đáp ứng các yêu cầu của các FTA sẽ giảm.

Doanh nghiệp đang rất trong chờ vào những giải pháp kịp thời của chính phủ để cân bằng áp lực về hàng xuất nhập khẩu. Với Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2018 đạt 480,17 tỉ USD. 

Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 243,48 tỉ USD, và nhập khẩu đạt 236,69 tỉ USD. Vì thế, yếu tố tỉ giá khi điều chỉnh cần xem xét rất nhiều vào các yếu tố vĩ mô khác để có điểm rơi phù hợp, kích thích sản xuất, xuất khẩu.


Khắc Lãng ghi - Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)