Doanh nghiệp tâm tư gì trước cuộc đối thoại với Thủ tướng sắp tới?
Ông Nguyễn Trung Chính, Trưởng nhóm công tác Kinh tế số thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC.
Ông Nguyễn Trung Chính, Trưởng nhóm công tác Kinh tế số thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC cho biết sẽ có các kiến nghị gửi tới Thủ tướng, các bộ ban ngành trong cuộc gặp cuộc đối thoại vào ngày 31/7 sắp tới.
Không chỉ kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Diễn đàn Kinh tế tư nhân cũng sẽ chỉ rõ đâu là các thuận lợi để từ đó phát huy, đẩy mạnh hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Chính lưu ý, riêng về những kiến nghị tháo gỡ khó khăn, Diễn đàn sẽ tập trung trình bày những nội dung mang tính cụ thể, tiêu biểu, bức xúc nhất kèm theo đó “hiến kế” các giải pháp để tháo gỡ từng vấn đề.
Trong mảng kinh tế số, ông Chính cho biết có hai nội dung lớn được kiến nghị, một đó là vấn đề tự do bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo đó, sẽ rà lại xem cái gì còn thiếu bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng phân biệt các thành phần kinh tế khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công quyền. Đồng thời, còn có nhiều dự án hạn chế doanh nghiệp tư nhân tham gia. Các cơ quan cũng có việc trợ giá không lành mạnh cho các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, đó là vấn đề tiếp cận về vốn, thuế, phí… Về vấn đề này, Theo ông Nguyễn Trung Chính, VPSF sẽ có kiến nghị Thủ tướng xoá bỏ phí viễn thông công ích.
Khoản phí này theo Trưởng nhóm công tác Kinh tế số là rất bất hợp lý. Việc phải đóng 2% phí viễn thông công ích dựa trên doanh thu là vấn đề rất lớn đối với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp mới thành lập.
“Một doanh nghiệp chưa có lãi đã phải nộp khoản phí này sẽ dẫn đến triệt tiêu năng lực cạnh tranh, thậm chí “giết chết” họ”, ông Chính nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc cho biết, doanh nghiệp viễn thông đang phải đóng phí thương quyền và phí viễn thông công ích đúng là tình trạng “một cổ hai tròng”.
Theo quan điểm ông Ngọc, sau khi nộp các nghĩa vụ thuế, phí với nhà nước, việc đóng góp công ích nên xuất phát từ tính tự nguyện của doanh nghiệp. Do vậy, việc đóng góp dựa theo % doanh thu là không hợp lý.
Tổng giám đốc FPT cũng đề nghị thay thế Nghị định 102/2009 về quản đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng đơn giản hơn. Bởi lẽ cho đến nay, Nghị định này và cả những dự thảo sửa đổi mới nhất cũng đang còn tồn tại nhiều thủ tục rối rắm, gây khó cho doanh nghiệp.
“Nếu không bỏ Nghị định 102, xây dựng một nghị định khác thay thế thì cực kỳ vướng cho doanh nghiệp”, ông Ngọc cho biết.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cũng cho rằng, tinh thần là phải xây dựng một nghị định mới, “đập đi xây lại” chứ không thể “cơi nới, sửa chữa” bởi Nghị định này có quá nhiều bất cập.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 31-7 tại Hà Nội. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5”.
Sẽ có 4 chuyên đề đối thoại tại VPSF 2017, bao gồm: Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5; Kinh tế số - Thúc đẩy thực thi chính sách để bắt kịp cách mạng công nghệ 4.0; Nông nghiệp – Tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường; Du lịch – Tháo gỡ điểm nghẽn để tạo đột phá.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 31-7 tại Hà Nội. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5”. Sẽ có 4 chuyên đề đối thoại tại VPSF 2017, bao gồm: Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5; Kinh tế số - Thúc đẩy thực thi chính sách để bắt kịp cách mạng công nghệ 4.0; Nông nghiệp – Tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường; Du lịch – Tháo gỡ điểm nghẽn để tạo đột phá. |