|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp phân bón lại muốn… chịu thuế VAT

19:51 | 27/10/2016
Chia sẻ
Miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp phân bón là để giúp nông dân được tiếp cận với nguồn phân bón giá rẻ, chất lượng. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, việc miễn thuế lại có tác dụng ngược: doanh nghiệp phải đóng thuế nhiều hơn, giá phân bón cao hơn và cả nông dân, doanh nghiệp đều không được lợi.
Đại diện các doanh nghiệp trong ngành phân bón mong muốn được chịu thuế VAT. Ảnh: T.D

Tại buổi tọa đàm "Gỡ khó chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) cho phân bón" do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày hôm nay (27-10) tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất phân bón trong nước đã xin được “hưởng thuế” VAT là 0% thay vì miễn thuế như hiện nay. Hoặc chí ít cũng đưa về mức thuế VAT 5% như trước kia vẫn áp dụng.

Chuyện không mới nhưng đã kéo dài dai dẳng từ năm 2015 đến nay. Theo đó, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực từ 1-1-2015.

Tuy nhiên, do được miễn thuế VAT chứ không phải giảm thuế xuống 0% nên doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế đầu vào mà lại không được khấu trừ đầu ra.

Điều này một mặt đã tác động lớn đến chi phí đầu tư, sản xuất phân bón, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa; mặt khác lại góp phần làm cho phân bón nhập khẩu rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.

Tại tọa đàm, bà Trần Thị Bình, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, cho hay kể từ khi áp dụng luật này thì gánh nặng chi phí của Đạm Cà Mau là rất lớn. Năm 2015, Đạm Cà Mau không được hoàn thuế 245 tỉ đồng, lợi nhuận giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, luật cũng khiến các doanh nghiệp phải tìm đường xuất khẩu thay vì bán trong nước vì khi xuất khẩu phân bón thì doanh nghiệp được hoàn thuế VAT đầu vào. “Đây là trong điều kiện Đạm Cà Mau còn xuất khẩu không được, nhiều doanh nghiệp không xuất khẩu được đã phải đóng cửa từng phần và có thể phải đóng cửa cả nhà máy”, bà Bình nói.

Do đó, đại diện Đạm Cà Mau đề nghị nên sửa Luật 71 theo hướng áp dụng thuế VAT từ 0% đến 3% hoặc ít nhất cũng phải thực hiện như cũ, tức thuế VAT 5%.

Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty cổ phần DAP, VINACHEM (DAP – Đình Vũ) cho hay, kể từ khi có luật, sản lượng mà DAP Đình Vũ bán ra ngày càng giảm. Nếu như năm 2014, DAP Đình Vũ bán ra thị trường khoảng 332.000 tấn thì năm 2015, đạt khoảng 256.000 tấn và năm 2016 dự kiến giảm xuống còn 178.000 tấn.

Hơn nữa, hiện nay giá phân DAP trên thị trường đã thấp hơn giá thành của DAP Đình Vũ nhưng công ty vẫn buộc phải bán theo giá thị trường để có dòng tiền trả vốn vay ngân hàng, trả lương công nhân và tái sản xuất…

Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, các doanh nghiệp đóng cửa, phân bón nước ngoài tràn vào, nhà nước sẽ mất khả năng kiểm soát thị trường.

Do đó, các doanh nghiệp trong buổi tọa đàm đều mong muốn áp dụng thuế VAT 5% như cũ, hoặc có thể giảm hơn trong bối cảnh giá phân bón thế giới đang giảm sâu.

Trúc Diễm