Doanh nghiệp nhỏ kêu tiếp tục gặp khó
Điều này khiến dư luận e ngại đây là biến tướng Thông tư 20 của Bộ Công Thương.
Dù Thông tư 19/2012/TT-BGTVT (Thông tư 19) và Thông tư 20/2011/TT-BCT hết hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu (NK) ô tô vẫn lúng túng vì đã hơn 4 tháng trôi qua mà chưa có văn bản thay thế Thông tư 20 quản lý vấn đề này. Trong đó, ngoài quy định nhà NK phải có “Giấy ủy quyền chính hãng” của nhà sản xuất, Thông tư 20 còn quy định DN NK phải có “Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện” do Bộ GTVT cấp.
Thế nhưng, từ 1/7/2016, cơ quan Đăng kiểm không tiến hành cấp mới hoặc gia hạn giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Thông tư 19 hết hiệu lực thi hành. Vì vậy, các DN nào mới NK ô tô hoặc hết hạn giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô dù có “Giấy ủy quyền chính hãng” của nhà NK cũng sẽ không đủ điều kiện NK ô tô vì không đáp ứng quy định phải có giấy chứng nhận như trên.
Trong dự thảo của Bộ GTVT đang hoàn thiện, đáng chú ý có yêu cầu khắt khe về mặt bằng tổng thể của cơ sở bao gồm: nhà xưởng, phòng điều hành, kho phụ tùng, đường giao thông nội bộ, khu vực tiếp nhận, bàn giao xe, nơi tập kết rác công nghiệp, các khu vực khác (nếu có). Trong đó, đối với ô tô con, ô tô khách từ 16 chỗ trở xuống, ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ đến 3,5 tấn, xe bốn bánh có gắn động cơ thì kích thước tối thiểu tại nơi tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng sửa chữa thân vỏ (gò, hàn) và sơn là 3,5x6m. Riêng kích thước tối thiểu của khu kiểm tra xuất xưởng là 4x8m.
Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Thiên Phúc An đưa ra kiến nghị. Trước hết, về quy mô của cơ sở bảo hành, theo ông Tuấn cơ sở này không cần đầu tư quá hoành tráng, tốn kém hàng tỷ đồng bởi hầu hết các doanh nghiệp mới kinh doanh vừa và nhỏ rất ít vốn.
Theo ông Tuấn, nếu đáp ứng được đầy đủ như trên thì một cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng không khác gì một Trung tâm Đăng kiểm, làm hết việc của đơn vị này. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định người quản lý cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải có kinh nghiệm 5-10 năm trong nghề. Ông Tuấn cho rằng, người quản lý chỉ cần có chứng chỉ đào tạo hoặc bằng cấp chuyên ngành như cơ khí, ô tô..., còn số năm kinh nghiệm cần nêu rõ, nếu không khi triển khai thực tế sẽ gặp khó khăn, vướng mắc. Theo ông Tuấn tiêu chuẩn đưa ra cần thực tế, khuyến khích các DN vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh chứ không chèn ép họ như Thông tư 20.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng, đây chỉ là tiêu chuẩn chứ không phải là quy chuẩn bắt buộc. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến DN một số nước tiên tiến và căn cứ vào thực tế của đất nước ta. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần xem xét phạm vi áp dụng để không quá lo lắng mà có điều chỉnh cho phù hợp.
Không phải cấm mà đặt điều kiện
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tọa đàm công bố Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Bộ này đề xuất 2 ngành kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (ngành số 75) và ngành sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ô tô (ngành 76) vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Nhiều chuyên gia cho rằng, bản chất 2 ngành nghề này là biến tướng từ Thông tư 20 của Bộ Công thương về điều kiện nhập khẩu ô tô.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết: “Ngành này đã đưa vào danh sách cách đây 3-4 tháng nhưng các cơ quan có quan điểm khác nhau, băn khoăn nên chưa công bố với dư luận. Sau thời gian dài, chúng tôi thấy không có cách nào khác phải đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào đầu tháng 10 để trình Quốc hội”. Theo ông Đông, hiện DN ở ta mới chỉ nhập khẩu ô tô đơn thuần, bán đi lấy chênh lệch để hưởng lãi. Nếu để cho các cơ sở tự do kinh doanh ô tô, chúng ta chỉ tạo ra được mỗi cửa hàng 1 chục nhân viên bán hàng, 1 số xưởng sửa chữa không có tay nghề. Chúng ta không thể tạo ra được hệ thống công nhân có tay nghề, có trình độ.
“Có thể có nhiều ý kiến nghi ngại các bộ, Chính phủ đặt những hạn chế quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định đây không phải cấm mà cơ quan Nhà nước chỉ là đặt điều kiện, yêu cầu DN đáp ứng, khi thỏa mãn rồi, anh có quyền tham gia, được quyền để làm không gặp trở ngại gì” – ông Đông khẳng định.
Theo ông Đặng Huy Đông, bộ KH&ĐT và Chính phủ luôn trân trọng lắng nghe ý kiến của cộng đồng dư luận, của các nhóm khác nhau, dù bộ phận rất nhỏ, nhưng chúng tôi phải tính toán các lợi ích tổng hòa, đặt lợi ích quốc gia, thị trường lên trên hết.