|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh nghiệp Mỹ sợ bị trả đũa sau tuyên bố cứng rắn của Trump về Trung Quốc

11:17 | 13/12/2016
Chia sẻ
Bình luận của Donald Trump về chính sách "một Trung Quốc" khiến giới doanh nghiệp Mỹ, nhất là những ai đang thu lợi từ thị trường tỷ dân cảm thấy lo ngại.
doanh nghiep my lo so sau tuyen bo cung ran cua trump ve trung quoc
Donald Trump trong một sự kiện tại Cincinnati. Ảnh: Reuters

Trump vừa khiến giới chức Trung Quốc phải nóng mặt với bình luận hôm Chủ nhật rằng nước Mỹ không nhất thiết phải công nhận chính sách "một Trung Quốc" - chính sách công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Bắc Kinh đã thể hiện "sự quan ngại nghiêm trọng" với bình luận này của Trump.

Theo tin Reuters, có bốn nguồn tin hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cho biết họ rất không an tâm nếu có bất cứ gợi ý nào liên quan đến việc gỡ bỏ chính sách "một Trung Quốc". Họ là những công ty đã hoạt động tại đất nước tỷ dân này trong vài thập kỷ.

Một nguồn tin nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định đối với hoạt động kinh doanh. Họ cho rằng Bắc Kinh có thể giáng đòn trả đũa lên các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc nếu Trump đẩy vấn đề đi quá xa.

"Người Trung Quốc đang cực kỳ quan ngại và chúng tôi nghe từ những nguồn đáng tin cậy rằng Bắc Kinh đang lên một danh sách các lợi ích của Mỹ tại đây trong đó có lợi ích thương mại", một chuyên gia về chính sách thương mại Trung Quốc thân cận với các doanh nghiệp Mỹ cho biết.

Chuyên gia này chỉ ra rằng có hơn 30 bang của Mỹ có kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ USD vào Trung Quốc, và tổng giá trị các cam kết thương mại của giới doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lên đến hơn 500 tỷ USD. Tất cả những cam kết này đều rơi vào cảnh rủi ro nếu Trung Quốc trả đũa.

"Những mối quan hệ thương mại này cung cấp việc làm cho người Mỹ ngay tại nước Mỹ", ông này nói.

Một nguồn tin khác nói với Reuters rằng các công ty đang bàn luận với nhau về những mối quan ngại của họ, lo rằng sẽ trở thành đối tượng mới trong các chính sách của Donald Trump, như ông Trump từng công khai nhắm đến Boeing hay Carrier.

Với nhiều công ty Mỹ từ các nhà sản xuất xe hơi ở Detroit đến giới công nghệ tại Silicon Valley, Trung Quốc là nguồn doanh thu và nguồn lợi nhuận quan trọng, cũng là mắt xích không thể tách rời trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn bốn thập kỷ qua từ thời Tổng thống Richard Nixon với chuyến thăm bất ngờ đến Trung Quốc, mối quan hệ của Mỹ- Trung Quốc đã làm lợi cho nhiều công ty Mỹ như General Motors, Starbucks, Apple hay Wal-Mart Stores.

Trong quá khứ, từng nhiều lần hàng hóa Mỹ gặp phải cản trở khi Trung Quốc tăng thuế. Ví dụ năm 2011, Trung Quốc tăng thuế xe và hàng thể thao Mỹ khi hai bên có bất đồng về thương mại.

Hơn một phần ba trong 9,96 triệu xe mà General Motors bán ra trên toàn cầu năm 2015 được tiêu thụ ở Trung Quốc. Lợi nhuận từ thị trường tỷ dân này, kể cả liên doanh, chiếm 20% trong tổng lợi nhuận 9,7 tỷ USD năm 2015 của hãng. Tương tự, 16% lợi nhuận trước thuế 9,4 tỷ USD của Ford Motor cũng đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Còn đại gia siêu thị Mỹ Wall Mart có 432 cửa hàng ở Trung Quốc. Starbucks có 2.500 quán cà phê tại đây. CEO của Starbucks còn dự báo với các cổ đông rằng đối với hãng, đến một ngày Trung Quốc sẽ là thị trường còn lớn hơn cả Mỹ .

Boeing thậm chí xây dựng một nhà máy hoàn chỉnh ở Trung Quốc để sản xuất riêng dòng máy bay 737, trong bối cảnh nước này sẽ cần 6.800 chiếc máy bay mới với tổng trị giá 1.000 tỷ USD trong 20 năm tiếp theo.

Tổng giá trị thương mại Mỹ với Trung Quốc đạt 599 tỷ USD trong năm 2015, theo số liệu cơ quan thống kê Mỹ, trong đó 116 tỷ USD Mỹ xuất khẩu đến Trung Quốc và 483 tỷ USD các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.

Alan Deardorff, giáo sư quan hệ quốc tế và chính sách công ở Đại học Michigan nói rằng nếu quan hệ thương mại Mỹ- Trung căng thẳng, các doanh nghiệp Mỹ sẽ hứng chịu những tổn thất sâu sắc.

Trước đó, Trump và các cố vấn của ông này từng nhiều lần nói rằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc phản ánh một mối quan hệ thương mại xấu, và buộc tội Trung Quốc thao túng giá đồng nhân dân tệ.

Vân Vũ