|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp du lịch kiến nghị nới lỏng chính sách visa

20:50 | 04/05/2019
Chia sẻ
Theo ý kiến của một số DN lữ hành, việc tiếp tục nới lỏng chính sách visa sẽ có tác động tích cực trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển.  
Doanh nghiệp du lịch kiến nghị nới lỏng chính sách visa - Ảnh 1.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm tăng 7,6%.

Nút thắt?

Hiện Việt Nam miễn thị thực đơn phương (visa) cho 13 nước từ năm 2004. Từ 1/2/2017, Chính phủ cấp thị thực điện tử cho công dân trên 80 nước.

Theo thống kê, năm 2018 lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, ở mức hơn 15 triệu lượt khách, song tỉ lệ này vẫn thấp hơn hàng chục triệu so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia...

Bên cạnh đó, khách quốc tế lưu trú tại Việt Nam lâu hơn nhưng chi tiêu ít khá ít chỉ ở mức 96 USD/ngày, trong khi ở Singapore là 330 USD/ngày.

Đặc biệt, con số đáng chú ý nữa là số liệu thống kê 4 tháng đầu năm 2019 cho thấy, lượng khách du lịch chỉ tăng 7,6%, mức thấp nhất trong những năm vừa qua.

Từ thực tế nêu trên, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Viêt Nam và nhiều DN cho rằng, một trong nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam có nhiều tiềm năng song lượng khách chưa đạt kỳ vọng là do chính sách visa còn khá chặt chẽ.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, theo Hội đồng Lữ hành thế giới, chính sách visa cởi mở sẽ làm tăng 8-10% lượng khách. Điều này minh chứng rõ ở Việt Nam, sau thời gian trì trệ, năm 2017, Chính phủ quyết định miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu, lập tức du lịch Việt Nam phát triển mạnh.

Về phía DN lữ hành, một số ý kiến cho rằng visa đang là một trong bốn nút thắt của du lịch Việt Nam, cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty hàng không Ngôi Sao Việt, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) thẳng thắn cho rằng, số người Việt Nam sang Thái Lan năm 2018 là 1 triệu người và visa là yếu tố quan trọng với du lịch.

“DN thường xuyên nhận được thắc mắc của du khách là tại sao Việt Nam không miễn visa trong khi nhiều nước trong khu vực đã miễn. Đây là vấn đề nhận được quan tâm hàng đầu trong chính sách phát triển du lịch của các nước”, ông Nam nhấn mạnh.

Dẫn chứng về việc chính sách visa ảnh hưởng như thế nào đến ngành Du lịch, đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho biết, mỗi ngày hãng có 15 chuyến bay thẳng từ Việt Nam đi Hàn Quốc. Lượng khách du lịch tăng đột biến khi Hàn Quốc cấp visa 5 năm cho người Việt.

Nới lỏng là cần thiết?

Trước thực tế nêu trên, nhiều DN lữ hành khi được hỏi đều đồng nhất việc nới lỏng visa là cần thiết.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, đại diện Vietravel đề xuất chính sách visa linh hoạt. Theo vị này, Việt Nam có thể cấp visa theo từng thị trường, theo mùa khách đông- vắng hoặc theo sự kiện lớn như giải đua xe F1, SEA Games, Festival Huế, đại lễ Vesak diễn ra vào tháng 5/2019.

Đại diện Saigontourist đề xuất miễn visa cho nhiều quốc gia, miễn 5 đến 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtours cho rằng, miễn visa sẽ giúp du khách giảm khoảng vài chục USD và vài ngày làm thủ tục xin cấp visa. Với khách châu Âu, khoản tiền này không lớn nhưng thể hiện thiện chí của nước chủ nhà với du khách.

“Việc Chính phủ đồng ý miễn visa cho du khách 5 nước Tây Âu trong 3 năm là biện pháp hút khách quan trọng bởi khách châu Âu thường có kế hoạch khá lâu trước khi đi du lịch. Chưa kể, khách châu Âu là đối tượng du khách có mức chi tiêu cao, sử dụng dịch vụ nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn. Do vậy, việc nới lỏng visa thời gian dài cần được mở rộng ra ở nhiều quốc gia châu Âu hơn nữa", ông Hoan nói.

Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet, thời gian tới, chính sách miễn visa 3 năm với 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy) cần tăng thêm thời gian, thậm chí là nên miễn không thời hạn. Nếu trong quá trình thực hiện nảy sinh vấn đề bất lợi cho an ninh quốc gia thì có thể điều chỉnh.

Ngoài kiến nghị nới lỏng visa, một số chuyên gia du lịch cũng cho rằng, để thu hút khách du lịch, miễn phí visa chỉ là một điều kiện. Để khách du lịch quyết định có lựa chọn Việt Nam là điểm đến ưa thích thì cần có thêm những tiêu chí khác đi kèm như sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn, dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn chuyên nghiệp.

Vậy nên, các bộ, ngành, địa phương, các DN cần nâng cao hơn nữa hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch, có trọng điểm, đi vào chiều sâu, định hình rõ về thị trường, điểm đến, sản phẩm... Chỉ khi đó môi trường kinh doanh du lịch của Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực.

Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho công dân 13 nước: Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Belarus và cho quan chức Ban thư ký ASEAN.

Các nước, vùng lãnh thổ đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam:

- Đài Loan miễn thị thực cho công dân Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể.

- Rumani miễn thị thực cho công dân Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể.

- Panama áp dụng miễn thị thực cho công dân Việt Nam.

- Anh miễn thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao.

- Belarus miễn thị thực 5 ngày cho công dân Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể.

- Hồng Công miễn thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.

D. Ngân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.