|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Doanh nghiệp đang khó khăn, không nên bàn chuyện tăng thu ngân sách'

11:04 | 31/07/2023
Chia sẻ
Chuyên gia đề cập đến mục tiêu kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa hài hòa, tuy nhiên hai chính sách này đang có sự lệch pha.

Tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng không nên thảo luận về tăng thu ngân sách và cũng không nên ra chỉ tiêu tăng thu ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế đang ảm đạm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ông đề cập đến mục tiêu kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa hài hòa, tuy nhiên hai chính sách này đang có sự lệch pha, đối nghịch nhau. 

Nói thêm về tình hình thu chi ngân sách, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2023, ngân sách bội thu 59.100 tỷ đồng.  

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 133.900 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2023 ước đạt 1.016,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán năm và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, một số khoản thu chính như sau.

Thu nội địa tháng 7  ước đạt 114.300 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng năm 2023 ước đạt 840.000 tỷ đồng, bằng 63% dự toán năm và giảm 4,1so với cùng kỳ năm trước.

Thu từ dầu thô tháng 7  ước đạt 4.800 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng năm 2023 ước đạt 36.000 tỷ đồng, bằng 85,7% dự toán năm và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 7 ước đạt 14.700 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng năm 2023 ước đạt 140.000 tỷ đồng, bằng 58,6% dự toán năm và giảm 22,7so với cùng kỳ năm trước 

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 7 ước đạt 158.400 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng năm 2023 ước đạt 957.000 tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Về thu, chi ngân sách 7 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2023, chỉ có hai năm 2018 và 2020 ngân sách bội chi, còn lại đều bội thu.

 

Nhấn mạnh cần tập trung hơn vào chính sách tài khóa, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sớm nghiên cứu giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1%. Ngoài ra ông cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh. Đó là vấn đề cần ưu tiên hơn cả, sau đó mới đến dùng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế do "chính sách tiền tệ đã quá sức".    

Anh Đào