Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam
Ông Joaquim Torrinha, Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông của EuroCham tại Việt Nam. Ảnh: Minh Tuấn
Ông Joaquim Torrinha, Trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, có cuộc trao đổi với báo giới về triển vọng kinh doanh của các công ty châu Âu, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và tác động của Hiệp định EVFTA trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP.
Doanh nghiệp châu Âu tiếp tục lạc quan về Việt Nam
Kết quả khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 4/2016 của EuroCham cho thấy các doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) vẫn có nhìn nhận lạc quan về môi trường kinhd oanh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018.
Chỉ số BCI giảm nhẹ 1 điểm xuống 85 điểm trong quý 4/2016, sau khi tăng 10 điểm trong quý trước đó.
Theo BCI, có đến 73,3% số doanh nghiệp trả lời có kết quả kinh doanh tốt trong quý khảo sát, tăng nhẹ so với tỷ lệ 71,5% quý 3/2016. Trong khi đó, có khoảng 5,5% số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém khả quan.
Bên cạnh đó, có tới 75,6% số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam và có khoảng 57% dự kiến sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm nhân sự nhằm đáp ứng kế hoạch mở rộng kinh doanh. Chỉ có khoảng 6,7% cho rằng họ sẽ cắt giảm nhân sự.
Có tới 90% số doanh nghiệp có kế hoạch duy trì hoặc mở rộng hoạt động đầu tư trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp châu Âu muốn tập trung mở rộng kinh doanh ở Việt Nam trong các ngành nghề được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ EVFTA. Đó là dược phẩm, hóa chất, dệt may, ôtô, thực phẩm và đồ uống, ông Torrinha nói.
“Vẫn còn nhiều việc phải làm”
Đại diện EuroCham cho biết tổ chức này cảm thấy rất “hài lòng” với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Trong nhiều việc đã làm được phải kể đến việc thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), tháo gỡ các rào cản trong việc đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, coi trọng tăng trưởng bền vững…
Trong số các khuyến nghị của Eurocham mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện phải kể đến chính sách kéo dài thị thực cho người nước ngoài. Nghị quyết 19 ban hành năm 2017 chứa đựng một số khuyến nghị mà Eurocham đã đề ra từ lâu, đó là thực hiện đồng bộ thủ tục cấp phép đầu tư khắp cả nước.
EuroCham, các thành viên và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao các biện pháp và hành động của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là các Nghị quyết 19 và 35 mới được ban hành.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy vẫn còn những tồn đọng mà chính phủ cần giải quyết để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, bên cạnh những quan ngại về ô nhiễm môi trường và cơ sở hạ tầng, ông Joaquim Torrinha nhấn mạnh.
Những nhận xét và khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam đã được EuroCham đưa vào Sách trắng thường niên của Hiệp hội, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 2/3 tới tại Hà Nội.
“Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết rất tích cực. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc cần thúc đẩy việc thực hiện hóa các văn bản đó”, ông Torrinha nói.
Nếu chính phủ tiếp tục đối thoại với các doanh nghiệp tư nhân, thông điệp cải cách mà Chính phủ nhấn mạnh trong thời gian qua sẽ tạo ra nhiều “quả ngọt” trong thời gian tới và tạo ra những cải thiện mạnh mẽ cho Việt Nam, đại diện EuroCham nói thêm.
Hiệp định EVFTA sẽ có tầm quan trọng lớn hơn khi Mỹ rút khỏi TPP
Theo đại diện của EuroCham, Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á đã ký FTA Liên minh châu Âu (EU). FTA giữa Singapore và EU hiện vẫn cần đợi Tòa án tối cao của nước này phê chuẩn.
Theo lộ trình, thuế suất đối với gần 100% hàng hóa của Việt Nam vào EU sẽ được cắt giảm xuống còn 0% vào năm 2030. EVFTA cũng có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 7,8% đến năm 2025, ông Torrinha nói.
Trước đây, so với EVFTA, Hiệp định Tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nhiều ý nghĩa hơn đối với Việt Nam. Việc Mỹ rút khỏi TPP đồng nghĩa với việc tầm quan trọng của EVFTA đối với Việt Nam được nâng lên, đại diện EuroCham nói.
“EVFTA tạo cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy việc hiện đại hóa khuôn khổ lập pháp và hành lang pháp lý, thực thi pháp luật, tạo điều kiện tiếp cập thị trường, cải thiện các tiêu chuẩn cạnh tranh. Chúng tôi tin Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp theo hướng này”, ông Joaquim Torrinha cho biết.
Để thu hút thêm vốn đầu tư của EU, Việt Nam cần thực hiện chiến lược thu hút đầu tư lớn hơn và hài hòa hơn. Theo đó, Chính phủ cần quan tâm tới phát triển bền vững, phát triển kinh tế theo hướng bao trùm để toàn dân được hưởng lợi, tái đầu tư vào xã hội và trao quyền tự chủ cho các địa phương để họ tận dụng được các lợi thế cạnh tranh của mình.