|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điều gì xảy ra nếu Đại cử tri đoàn quay lưng với ông Trump vào ngày mai?

10:44 | 18/12/2016
Chia sẻ
Khi ngày càng nhiều đại cử tri Mỹ tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho Tổng thống đắc Donald Trump, một kịch bản tuy ít có khả năng xảy ra song cũng không thể loại trừ đó là ông Trump có thể sẽ không đủ phiếu để trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
dieu gi xay ra neu dai cu tri doan quay lung voi ong trump vao ngay mai

Tổng thống đắc Mỹ Donald Trump và ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: Getty)

Theo cơ chế bầu cử ở Mỹ, cử tri không trực tiếp bầu tổng thống mà họ bỏ phiếu chọn ra đại cử tri - những người cam kết sẽ bầu tổng thống theo ý nguyện của cử tri. Hay nói cách khác, 538 đại cử tri sẽ thay mặt cho 318 triệu cử tri Mỹ để chọn ra tổng thống tiếp theo.

Về cơ bản, đại cử tri ở bang nào sẽ bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống chiến thắng trong bầu cử phổ thông ở bang đó. Tuy nhiên, không có điều khoản nào trong Hiến pháp Mỹ cấm đại cử tri "bất trung" quay sang bỏ phiếu cho một ứng viên khác.

Ông Trump tuy thua ứng viên Dân chủ Hillary Clinton về số phiếu phổ thông, nhưng nhờ chiến thắng tại các bang chủ chốt nên giành được 306 phiếu đại cử tri, so với của bà Clinton là 232. Đại cử tri đoàn các bang sẽ bỏ phiếu chính thức vào ngày mai 19/12 để chọn ra tổng thống tiếp theo.

Sau cuộc bầu cử ngày 8/11, nhiều đại cử tri Dân chủ đã phát động một chiến dịch thuyết phục các đại cử tri Cộng hòa bất trung với ông Trump. Hiện duy nhất đại cử tri Cộng hòa bang Texas Christopher Suprun công khai tuyên bố bất trung với Tổng thống đắc cử Trump. Tuy nhiên, Larry Lessig, giáo sư đại học Harvard cho biết có ít nhất 20 đại cử tri Cộng hòa đã sẵn sàng không bỏ phiếu cho ông Trump vào ngày mai.

Nếu cuối cùng ít nhất 37 đại cử tri quyết định bất trung với Tổng thống đắc cử, ông Trump sẽ không có đủ phiếu để trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Trong trường hợp Đại cử tri đoàn “nổi loạn” chống lại ông Trump và số phiếu đại cử tri của ứng viên Clinton vượt quá ngưỡng tối thiểu 270 phiếu, kết quả sẽ bị đảo ngược, nhưng kịch bản này gần như là không thể.

Với kịch bản, cuối cùng cả 2 ứng viên đều không đủ tối thiểu 270 phiếu, Hạ viện Mỹ sẽ vào cuộc để bỏ phiếu chọn ra 1 trong 3 ứng viên nhiều phiếu nhất. Tuy nhiên, theo giáo sư luật của Harvard Lessig cho rằng, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát khi đó chắc chắn sẽ lại nghiêng về ông Trump. Nếu muốn ngăn Trump chiến thắng, các nghị sĩ Cộng hòa phải đồng lòng ủng hộ bà Clinton, nhưng điều này theo ông Lessig là không thể. Sự trung thành của các đại cử tri luôn được cho là thể hiện tôn trọng các giá trị dân chủ của Mỹ. Lịch sử bầu cử Mỹ trong 80 năm trở lại đây chỉ ghi nhận 9 đại cử tri bất trung.

Hơn nữa, khi bỏ phiếu tại Hạ viện, lúc này mỗi bang sẽ chỉ được chọn 1 đại diện để bỏ phiếu cho dù bang đó nhiều hay ít đại cử tri hay quy mô dân số thế nào. Ví dụ, bang chủ chốt Florida có 29 đại cử tri nhưng cũng chỉ được 1 lá phiếu. Trong khi đó, tại Mỹ số bang nghiêng về Cộng hòa nhiều hơn bang nghiêng về Dân chủ.

Trong khi đó, Thượng viện sẽ chọn ra 2 ứng viên phó tổng thống có nhiều lá phiếu đại cử tri nhất. Mỗi thượng nghị sĩ sẽ bỏ một lá phiếu cho ứng viên phó tổng thống mà mình ủng hộ.

Nếu đến ngày tuyên thệ nhậm chức của tổng thống mới (nghĩa là vào ngày 20/1/2017) mà Hạ viện vẫn không thể bầu ra tổng thống duy nhất thì phó tổng thống do Thượng viện bầu ra sẽ được chỉ định làm quyền tổng thống cho tới khi Hạ viện bầu được. Nếu phó tổng thống cũng chưa được lựa chọn, chủ tịch Hạ viện đang tại vị sẽ có quyền tổng thống cho đến khi quốc hội giải quyết được vấn đề.

Ngược lại, trong trường hợp Hạ viện bầu được tổng thống, nhưng Thượng viện không bầu được phó tổng thống, khi đó tổng thống sẽ có quyền lựa chọn một ứng viên tổng thống và chờ quốc hội phê duyệt.

Minh Phương