Điểm danh ngân hàng thu nợ nghìn tỉ từ HAGL, ‘bầu’ Đức đã bán dự án khủng tại Myanmar và thủy điện?
Sacombank và TPBank thu nợ nghìn tỉ từ HAGL
Theo báo cáo tài chính của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) công bố mới đây, tính đến 31/12/2018, tổng nợ phải trả của công ty giảm 3.661 tỉ đồng xuống còn 31.613 tỉ đồng.
Theo đó, khoản nợ vay dài hạn ngân hàng của công ty giảm 3.745 tỉ đồng so với đầu kì, xuống còn 6.143 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay dài hạn giảm từ 9.309 tỉ đồng xuống còn 4.605 tỉ đồng, trong khi vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả trong vòng 1 năm tăng từ 579 tỉ đồng lên 1.538 tỉ đồng.
Cụ thể, dư nợ vay dài hạn tại các ngân hàng đều giảm so với đầu kì, trong đó khoản vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm mạnh nhất, từ gần 2.925 tỉ đồng xuống còn 1.005 tỉ đồng, giảm 1.920 tỉ đồng. Nợ vay dài hạn của HAGL tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng giảm 940 tỉ đồng. Ngoài ra, dư nợ vay dài hạn của HAGL tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm 398 tỉ đồng, Ngân hàng Liên doanh Lào Việt – Chi nhánh Attapeu (giảm 390 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) (giảm 68 tỉ đồng).
Nguồn: BCTC |
Như vậy, Sacombank và TPBank là hai ngân hàng thu được nợ dài hạn lớn nhất tại HAGL. Được biết khoản vay tại các ngân hàng BIDV, Sacombank, Liên doanh Lào Việt, HDBank, TPBank chủ yếu đề tài trợ cho các dự án xây dựng và phát triển thủy điện, trồng cây cao su và mía, phát triển dự án bò thịt, xây dựng trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn và mua sắm máy móc thiết bị của tập đoàn.
Nợ vay ngắn hạn của HAGL tại thời điểm 31/12/2018 tăng 184 tỉ đồng so với đầu kì lên 912,9 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là gia tăng giá trị khoản vay ngắn hạn tại TPBank và Liên Doanh Lào Việt. Dư nợ vay ngắn hạn tại Sacombank giảm mạnh. Bên cạnh đó, công ty không còn khoản vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Campuchia.
Nguồn: BCTC |
Dòng tiền để trả nợ ngân hàng đến từ đâu?
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của HAGL, dòng tiền trả nợ gốc vay của công ty trong năm 2018 gần 4.133 tỉ đồng, trong khi năm 2017 là 3.055 tỉ đồng. Tuy nhiên, tiền thu từ đi vay của công ty là 9.171 tỉ đồng, trong khi năm ngoái là 4.119 tỉ đồng. Năm 2018, HAGL không có tiền thu từ phát hành cổ phiếu. Kết quả là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính đạt gần 5.039 tỉ đồng.
Nguồn: BCTC |
Sự gia tăng về đòng tiền đi vay của HAGL trong năm 2018 đến từ khoản thu trái phiếu chuyển đổi cổ phần HNG (2.217 tỉ đồng). Được biết, tháng 8/2018, CTCP Ô tô Trường Hải chính là đơn vị mua lại 221.688 trái phiếu chuyển đổi tại CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã: HNG), tương đương tổng giá trị phát hành 2.217 tỷ đồng. Trái phiếu chuyển đổi của HAGL Agrico chào bán có thời hạn 1 năm, lãi suất 0% và không được bảo lãnh. Tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.000, tương đương 1 trái phiếu chuyển đổi sẽ được đổi thành 1.000 cổ phiếu tại thời điểm chuyển đổi.
Nguồn: BCTC |
Bên cạnh đó, năm 2018, HAGL có khoản vay mới tại CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) với giá trị 746 tỉ đồng. Khoản vay từ ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị là 743 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn là gần 613 tỉ đồng và vay dài hạn gần 130 tỉ đồng.
Với việc giảm dư nợ tín dụng tại các ngân hàng, doanh nghiệp “bầu” Đức cũng giảm nhẹ sức ép từ lãi vay. Cụ thể, chi phí lãi vay trong quý IV của HAGL là 326 tỉ đồng, giảm 37,4% so với cùng kì năm ngoái. Chi phí lãi vay cả năm 2018 là 1.539 tỉ đồng, giảm nhẹ 46 tỉ đồng so với năm 2017.
‘bầu’ Đức đã bán dự án khủng tại Myanmar, thủy điện?
Dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar có tổng mức đầu tư 440 triệu USD với tổng diện tích sàn xây dựng lên tới trên 500.000 m2, diện tích tầng hầm 121.882m2, sức chứa 5.000 chỗ đậu xe gồm 4 block văn phòng cho thuê, 5 block căn hộ, 1 khách sạn 5 sao và 1 trung tâm thương mại. |
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, HAGL không còn hạch toán khoảng chi phí xây dựng dở dang tại Dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar tại thời điểm 31/12/2018, trong khi giá trị đầu kì của dự án này là 351 tỉ đồng. Bên cạnh đó, HALG cũng không còn chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại nhà máy thủy điện, trong khi đầu kì là 3.385 tỉ đồng.
Nguồn: BCTC |
Kết quả là chi phí xây dựng dở dang của HAGL giảm từ 17.750 tỉ đồng đầu kì xuống còn gần 13.761 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2018.
Nguồn: BCTC |
Đáng chú ý, trong năm 2018, HAGL thanh lý 3.444 tỉ đồng bất động sản đầu tư trong đó 2.281 tỉ đồng văn phòng cho thuê và 1.160 tỉ đồng trung tâm thương mại.
Dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar. Nguồn: VTC |
Như vậy, một câu hỏi được các nhà đầu tư đặt ra rằng liệu “bầu” Đức đã bán hai dự án trên?