Đề xuất xây dựng Nghị định quản lí hoạt động lấn biển
Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) cho biết theo xu thế chung, khu vực ven biển sẽ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai với sự gia tăng dân số, mở rộng các ngành công nghiệp, du lịch và quá trình đô thị hóa. Là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lấn biển cũng được coi là một giải pháp thích ứng chủ động với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, do nhu cầu và sự phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động ở vùng bờ cộng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến những tác động đến điều kiện tự nhiên, các hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường. Hiện nay, vùng biển ven bờ đang bị đe dọa với vấn đề suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, xói lở bờ biển, tạo sức ép lớn lên môi trường, hệ sinh thái và tài nguyên vùng ven biển.
Theo Bộ TNMT, những năm gần đây, ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời. Nhiều dự án lấn biển đã và đang được thực hiện ở hầu hết tỉnh, thành phố ven biển với qui mô khác nhau nhưng các dự án lấn biển có qui mô lớn tập trung tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang…
Các dự án lấn biển đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn ở khu vực ven biển, hải đảo. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị thu được thì hoạt động lấn biển cũng có rất nhiều vấn đề phải quan tâm, giải quyết.
Các công trình, hoạt động lấn biển có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan; ảnh hưởng, làm thay đổi chế độ thủy động lực của khu vực, làm thay đổi dòng chảy ven bờ, gây bồi lắng, sạt lở ở khu vực lân cận và gây xói lở bờ, làm mất an toàn cho chính các công trình; hoạt động lấn biển cũng có thể gây ra tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên biển, tác động tiêu cực tới đời sống, sinh kế, gây ra các vấn đề xã hội khác của cộng đồng dân cư ven biển.
Bộ TNMT cho biết có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc quản lí hoạt động lấn biển. Trong khi đó, pháp luật hiện hành gần như chưa có các qui định cụ thể đối với hoạt động này.
Cụ thể, pháp luật đất đai chỉ qui định nguyên tắc chung về việc khuyến khích hoạt động khai hoang, lấn biển. Pháp luật về đầu tư chỉ qui định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó có qui định liên quan đến thẩm quyền đối với một số dự án lấn biển có qui mô lớn.
Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chỉ qui định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; tuy nhiên, cơ bản hoạt động lấn biển lại không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển (vì nằm ngoài đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm).
Pháp luật bảo vệ môi trường có qui định một số dự án lấn biển có qui mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên không có yêu cầu qui định cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển….
Bộ cho rằng việc thiếu các qui định cụ thể điều chỉnh đối với hoạt động lấn biển sẽ gây ra những phức tạp, hệ lụy chưa lường hết được trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc xây dựng nghị định về lấn biển là hết sức cần thiết. Nghị định ban hành sẽ tạo hành lang pháp lí kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển.