|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất nâng giới hạn giờ làm thêm lên 72 giờ/tháng

11:00 | 11/03/2022
Chia sẻ
Chính phủ đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên không quá 72 giờ và 300 giờ mỗi năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc.

Chiều 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, nghị quyết về giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động được kết cấu thành hai điều, với nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất là nâng giới hạn số giờ làm thêm trong một tháng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ. 

Như vậy, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong một năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động. 

Thứ hai là các quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày và việc nghỉ ngơi (nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca...), tiền lương tuân thủ theo Bộ luật Lao động nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Đề xuất nâng giới hạn giờ làm thêm lên 72 giờ/tháng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. (Ảnh: VGP/Lê Sơn).

Về thời gian áp dụng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo nghị quyết được xây dựng trong bối cảnh "đặc biệt" và "cấp bách". Theo đó, về nguyên tắc, việc thực hiện chính sách tại dự thảo nghị quyết chỉ nên thực hiện trong một thời gian ngắn, thích hợp để giải quyết những vấn đề cấp bách, cấp thiết.

Vì vậy, thời gian áp dụng chính sách này kể từ thời điểm nghị quyết được ký ban hành đến thời điểm các biện pháp quy định tại Điểm 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV hết hiệu lực thi hành.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, có thực tế từ 27/4/2020 đến nay nhiều lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống COVID-19 như y tế, công an, quân sự làm việc gần như 24/24 giờ. Đối với những người đã đi làm thực tế lên 72 giờ/tháng trong thời gian vừa qua thì cũng được truy lĩnh, khi nghị quyết này có hiêu lực thi hành.

Đây là bối cảnh đặc biệt, cần có tư duy mới để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh, trả công cho người lao động xứng đáng với việc đã làm thêm trên thực tế. Một số hiệp hội nghề nghiệp ở Nhật Bản còn đề xuất làm đến 400 giờ/năm.

"Đây là mức thoả thuận giờ làm thêm tối đa của doanh nghiệp và người lao động, được sự đồng ý của người lao động, cũng như căn cứ vào sức khoẻ, điều kiện lao động, được trả công xứng đáng", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết cơ bản đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp đặc biệt này như một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn. 

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đánh giá vẫn còn nhiều thông tin, nội dung trong Hồ sơ dự thảo Nghị quyết chưa được cập nhật, chưa được cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, hiện nay vẫn còn một số quan điểm khác nhau về đề xuất mở việc áp dụng thời giờ làm thêm trong một năm đối với tất cả các ngành, nghề, công việc và việc nâng giới hạn về thời giờ làm thêm của người lao động trong tháng. 

Trên cơ sở các quan điểm còn khác nhau, để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng và các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định (theo hướng loại trừ). 

Đồng thời đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa.

Theo chương trình, ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết này sau khi được các cơ quan tiếp thu, giải trình.

Phương Trang

[Cơn bão Yagi - Bài 1] Những mất mát tỷ USD
Yagi - cơn bão lớn nhất trong 30 năm lịch sử và ảnh hưởng kéo dài của nó đã để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế, đặc biệt tại các tỉnh thành chịu ảnh hưởng trực tiếp như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai,...