|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất làm sân bay Sa Pa gần 6.000 tỉ

06:50 | 18/04/2019
Chia sẻ
UBND tỉnh Lào Cai nhận định việc xây dựng cảng hàng không Sa Pa là rất cần thiết và cấp bách.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành cho ý kiến về việc đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không (CHK) Sa Pa theo đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai. Tại đề xuất của tỉnh này, dự án được xây dựng ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.

Huy động vốn từ nhiều nguồn

Cụ thể, dự án có quy mô 371 ha với tổng mức đầu tư 5.900 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là trên 3.000 tỉ đồng, ngân sách tỉnh là 910,6 tỉ đồng, vốn do Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam trên 131 tỉ đồng.

Còn lại 1.770 tỉ đồng được kêu gọi từ tư nhân (xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không) do Tập đoàn Sungroup đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Theo đề xuất, sân bay thuộc cấp 4C (theo tiêu chuẩn ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất từ 2,5 triệu khách/năm đến 3 triệu khách/năm; vị trí sân đỗ máy bay là chín vị trí máy bay code C (hoặc tương đương); loại máy bay khai thác là A320, A321 và tương đương.

UBND tỉnh Lào Cai nhận định việc xây dựng CHK Sa Pa là rất cần thiết và cấp bách. Bởi CHK Sa Pa được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết với quy mô công suất hành khách đến giai đoạn năm 2030 là 1,585 triệu hành khách/năm.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, CHK Sa Pa sẽ được đưa vào sử dụng khai thác trong giai đoạn đến năm 2030 với công suất dự kiến đáp ứng 3 triệu hành khách/năm.

Đề xuất làm sân bay Sa Pa gần 6.000 tỉ - Ảnh 1.

Theo đề xuất, dự án được xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Ảnh: Dulichbaoyen

Giảm tải cho đường bộ

Về tầm quan trọng của dự án, tỉnh Lào Cai đánh giá sân bay Sa Pa sẽ là cửa ngõ giao lưu quốc tế trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một vành đai kinh tế trên cơ sở phát triển giao thương giữa các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc (gồm: Vân Nam, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu, Tây Tạng, có dân số trên 200 triệu người) với các tỉnh, TP trong cả nước.

Thời gian qua, Sa Pa được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống cáp treo Phanxipăng, sân golf... Do vậy, việc hình thành giao thông hàng không tại đây là quan trọng và cần thiết.

Về tiềm năng khi sân bay Sa Pa hình thành, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc CHK quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), cho rằng việc “mở cửa bầu trời” này sẽ tạo sự thông thoáng, thuận tiện hơn cho việc đi lại của hành khách, đồng thời thuận tiện hơn cho giao thương giữa các vùng miền và vươn ra quốc tế. Còn trước đây các chuyến bay chủ yếu theo trục chính TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội nên khi khách muốn đến các điểm du lịch hấp dẫn phải di chuyển tiếp bằng đường bộ sẽ mất thêm thời gian.

“Việc mở thêm các sân bay địa phương cũng góp phần giảm bớt tình trạng máy bay dồn về các sân bay lớn, tạo áp lực lên các đô thị. Ngoài ra, khi các địa phương có tiềm năng du lịch, lượng khách tăng nhanh như Lào Cai, việc mở thêm sân bay Sa Pa sẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển và thu hút thêm nhà đầu tư đến các tỉnh miền núi Tây Bắc” - ông Sáu nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Duy Mật, Phó Giám đốc CHK quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), đánh giá việc mở thêm các sân bay địa phương sẽ làm linh hoạt hơn mạng bay trong nước và kết nối quốc tế. Tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh miền núi Tây Bắc nói chung có địa thế hiểm trở, đi lại đường bộ khó khăn nên việc có thêm sân bay Sa Pa sẽ là tín hiệu đáng mừng cho việc phát triển kinh tế khu vực.

“Giao thông thuận lợi sẽ hỗ trợ du lịch tại Lào Cai phát triển. Nhiều du khách sẽ có thêm cơ hội đến với điểm du lịch nổi tiếng Sa Pa hơn. Việc phát triển đường hàng không còn giúp giảm tải cho hệ thống đường bộ, đường sắt” - ông Mật nói.

Dự kiến mở nhiều đường bay

Tỉnh Lào Cai cho hay lượng khách du lịch đến với tỉnh này tăng rất nhanh trong các năm qua. Cụ thể, năm 2018 là 4,247 triệu lượt khách, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Dự báo trong năm 2019, lượng khách du lịch đến Lào Cai trên 5 triệu lượt. Cùng với việc phát triển khu hợp tác kinh tế qua biên giới với cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai và cửa khẩu quốc tế Kim Thành, Khu công nghiệp Tằng Loỏng với các khu chế biến kim loại màu, phân bón..., nhu cầu giao thương đi lại bằng giao thông hàng không rất lớn và sẽ tăng nhanh trong các năm tới.

Theo đề án thuyết minh điều chỉnh chi tiết CHK Sa Pa của Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC, tuyến đường bay khai thác sân bay Sa Pa dự kiến kết nối nhiều tỉnh gồm: Lào Cai - Vinh, Lào Cai - Đà Nẵng, Lào Cai - Tân Sơn Nhất, Lào Cai - Cam Ranh, Lào Cai - Phú Quốc.

Loại máy bay khai thác là Su-22, Su-27, Su-30 và các loại máy bay dân dụng code C (A320, A321 và tương đương).

H. Dương - P. Điền