Đề xuất hơn 338 tỷ đồng làm thêm 2 đơn nguyên cầu vượt Mai Dịch
Theo đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất đầu tư bổ sung xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị chạy dọc cầu vượt Mai Dịch hiện tại và tổ chức giao thông nút Mai Dịch vào dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư).
Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án Thăng Long, mỗi bên cầu vượt Mai Dịch hiện tại sẽ được xây dựng một đơn nguyên cầu đô thị rộng 7,75m gồm: 1 làn xe cơ giới (3,5m) và 1 làn xe hỗn hợp (3m), còn lại là dải an toàn và bó vỉa. Về mặt kỹ thuật, hai đơn nguyên cầu đô thị được đề xuất xây dựng là cầu vĩnh cửu kết cấu dầm thép bản mặt bê tông cốt thép liên hợp, tĩnh không dưới là 4,75m, tĩnh không đường đô thị đi trên cầu vượt là 4,5m. Tổng mức đầu tư của hạng mục bổ sung xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị chạy dọc cầu vượt Mai Dịch hiện tại và tổ chức giao thông nút Mai Dịch dự kiến khoảng 338,5 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn dư của dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Lý giải về nguồn vốn dư của dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long thông tin, dự này được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư ngày 3/9/2013 với tổng tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: 4.525 tỷ đồng vốn ODA và 817,9 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước. Công trình đã thông xe, đưa vào khai thác từ tháng 10/2020, hiện đang tổ chức thi công 6 nhánh cầu lên, xuống. Dự kiến khi hoàn thành 6 nhánh cầu lên xuống, tổng mức đầu tư của dự án vẫn còn dư khoảng 2.114 tỷ đồng, gồm: 1.657 tỷ đồng vốn ODA và 457 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước.
"Việc dư các khoản kinh phí trên do khi triển khai, Tp. Hà Nội tiến hành thực hiện xây dựng mở rộng đường Phạm Văn Đồng nên Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật từ cọc khoan nhồi bê tông cốt thép đường kính từ 1,5m xuống 1,2m; điều chỉnh cọc thép xoay sang cọc khoan nhồi bê tông cốt thép đường kính 1,2m và tiết kiệm từ đấu thầu xây lắp", đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay.
Về lý do đề xuất xây dựng 2 đơn nguyên cầu vượt Mai Dịch, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, sau khi dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và tuyến đường Phạm Văn Đồng mở rộng ở dưới hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 10/2020, phạm vi cầu Mai Dịch hình thành nút giao với 4 nhánh ra, vào đường cao tốc.
Vì thế lưu lượng phương tiện giao thông qua nút rất lớn nên thường xảy ra xung đột, dẫn đến ách tắc giao thông. Hơn nữa, cầu vượt Mai Dịch hiện nay vẫn cho phương tiện mô tô, xe gắn máy lưu thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, vận tốc khai thác chỉ cho phép 60km/h.
Do đó, việc nghiên cứu cải tạo, tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch đồng bộ với dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long theo hướng bổ sung 2 đơn nguyên cầu vượt đô thị chạy dọc hai bên cầu vượt Mai Dịch để tách các làn xe cơ giới lưu thông trong nội đô qua nút giao với các dòng xe ô tô lưu thông theo tuyến đường cao tốc trên cao đang rất cấp thiết.
"Nếu được đầu tư thêm 2 đơn nguyên cầu vượt đô thị chạy dọc hai bên cầu vượt Mai Dịch sẽ phục vụ các xe lưu thông trong nội đô, còn lại phần cầu vượt Mai Dịch sẽ được trưng dụng để khai thác tuyến cao tốc trên cao, đảm bảo cho phương tiện chạy với vận tốc 80km/h trên toàn tuyến", đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long thông tin./.